Di tích lịch sử Quốc gia Chùa Vọng Nguyệt
(BNP) - Chùa Vọng Nguyệt (hay còn gọi là Chùa Khai Nghiêm) ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI). Trải qua thăng trầm lịch sử và thời gian, ngôi chùa đã được xây dựng lại và trùng tu nhiều lần. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử tại Quyết định số 35/2005/QĐ-BVHTT ngày 22/08/2005.
Cổng Tam quan chùa Vọng Nguyệt.
Chùa Vọng Nguyệt được khởi dựng từ thời Lý (thế kỉ XI) do công chúa Lý Nguyệt Sinh hưng công xây dựng. Trải qua thăng trầm, chùa được tu bổ tôn tạo, đến nay có quy mô lớn gồm nhiều hạng mục công trình đồ sộ.
Tòa Tam bảo của chùa.
Hiện chùa bao gồm các công trình như: Tam quan, tòa Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu cô - lầu cậu, nhà ở Tăng- Ni, văn chỉ, nhà bia, lầu quan âm… Trong đó, Tòa Tam bảo là công trình kiến trúc cổ duy nhất mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn bao gồm 07 gian tiền đường, 02 gian thượng điện, có kết cấu kiến trúc bình đầu bít đốc, tay ngai cột trụ cánh phong, bộ khung gỗ chịu lực, bao gồm 8 bộ vì tạo thành 7 gian, bộ vì kết cấu theo kiểu “thượng con chồng giá chiêng, hạ tiền chồng rường kẻ hiên, hậu kẻ ngồi bẩy hiên”.
Bộ cửa khung gỗ chịu lực.
Ngoài một số kẻ tiền chạm khắc vân xoắn, toàn bộ khung nhà được gia công soi gờ thẳng, bào trơn, đóng bén. Các tòa nhà còn lại mỗi tòa 5 gian khung gỗ được xây dựng những năm gần đây.
Ban Tam bảo chùa Vọng Nguyệt.
Tòa thờ công chúa Lý Nguyệt Sinh và 08 vị tiến sĩ của thôn.
Nhà tháp quan âm.
Chùa Vọng Nguyệt là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương. Chùa thờ Phật, thờ Mẫu, thờ Tổ, thờ 08 vị tiến sĩ của thôn và thờ công chúa Lý Nguyệt Sinh - người có công xây dựng chùa vào thế kỷ XI.
Các bộ tượng Phật có niên đại từ thời Lê, Nguyễn.
Nhà thờ bia đá của ông Trương Hán Siêu.
Bia đá “Khai Nghiêm bi ký” niên đại 1339/1797.
Bộ hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ XIX- XX.
Chùa Vọng Nguyệt hiện còn lưu được hệ thống hiện vật phong phú có niên đại tạo tác thời Lê - Nguyễn như: Bia đá “Khai Nghiêm bi ký” niên đại 1339/1797, chuông đồng niên đại 1799, hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ XIX- XX; bộ tượng Phật…
Vườn tháp - nơi lưu giữ xá lị của các sư trụ trì của chùa.
Bằng xếp hạng di tích Quốc gia chùa Vọng Nguyệt.
Hội chùa Vọng Nguyệt tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng âm lịch hàng năm.