Giáo dục Bắc Ninh đổi mới và phát triển

06/05/2020 10:27

Những năm qua, ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Bắc Ninh tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học. Từng bước triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch đề ra, đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến 2030; Quyết định số 242/QĐ-UBND/2017 của UBND tỉnh về Quy hoạch phát triển GD&ĐT Bắc Ninh giai đoạn 2017-2025; Kế hoạch số 200/KH-UBND/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai, thực hiện Đổi mới giáo dục phổ thông…

Trong giai đoạn 2014-2019, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng từ việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, Bắc Ninh đã thu hút số lượng lớn cư dân ngoại tỉnh và ngoại quốc đến sinh sống và làm việc. Điều này khiến dân số cơ học trong tỉnh tăng lên nhanh chóng, và đã kéo theo số học sinh các cấp tăng nhanh, từ cấp Mầm non đến Tiểu học.

Trong 5 năm, từ năm 2014 đến năm 2019, số lượng học sinh tăng hơn 64 nghìn em trong các cấp, bằng với 100 trường học trung bình. Tăng đối với khối Tiểu học là 27 nghìn em, khối Mầm non là hơn 25 nghìn trẻ.

Toàn tỉnh xây dựng thêm 22 trường mới gồm 10 trường công lập, 12 trường tư thục. Nâng tổng số trường công lập và tư thục lên 498 trường từ Mầm non đến THPT với 338 nghìn học sinh trong năm 2019-2020.

Nhằm thực hiện đúng theo Nghị Quyết 19 của BCH TW Đảng, là giảm đơn vị sự nghiệp công lập và tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước… nên dù số lượng học sinh toàn tỉnh tăng cao, tạo áp lực lớn nhưng số lượng giáo viên biên chế cũng như cán bộ quản lý trường học của tỉnh Bắc Ninh luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Nếu như năm học 2013-2014 giáo viên toàn ngành là 15.334 biên chế, thì đến hết năm học 2018-2019 chỉ tiêu biên chế  giáo viên được nâng lên đến 17.205 người.

Song song với việc giao khoán định mức trong năm học dành cho khối Mầm non công lập, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành NQ số 119 nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập để tinh gọn bộ máy, giảm đầu tư công, giảm áp lực cho Mầm non công lập mà vẫn bảo đảm cho con em nhân dân trong tỉnh được thụ hưởng các điều kiện tốt nhất về GD-ĐT.

Chất lượng của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng tốt các yêu cầu đổi mới giáo dục đề ra. Giai đoạn này, 100% giáo viên các cấp của tỉnh đều đạt chuẩn trong đó tỷ lệ trên chuẩn rất cao, chiếm tới 85,3. Toàn ngành hiện có 1.289 Thạc sỹ, 10 Tiến sĩ và 8 Nghiên cứu sinh. Tăng 473 Thạc sĩ và 5 Tiến sỹ so với giai đoạn trước.

Về chất lượng giáo dục đại trà ổn định; chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể hiện qua kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2019 đạt kết quả cao nhất trong nhiều năm trở lại đây;  kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 an toàn, nghiêm túc đúng quy chế và đạt kết quả cao. Điểm bình quân 3 môn Toán, Lý, Hóa trong tốp 10 toàn quốc, trong đó điểm thi môn Vật lý dẫn đầu cả nước… điểm trung bình chung các môn (5,52 điểm) xếp thứ 20 toàn quốc; tỷ lệ tốt nghiệp năm 2019 đạt 95,46%.

Kết quả thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2019 đoạt 59 giải, đạt 84,3% 03 học sinh được tham dự vòng thi chọn đội tuyển Olympic dự thi khu vực và quốc tế; 01 học sinh được tham dự và được tặng Bằng khen của Ban Tổ chức Kỳ thi Olympic Vật lý tại châu Âu; quán quân cuộc thi hùng biện tiếng Anh THCS toàn quốc 2019; thi KHKT cấp Quốc gia năm học 2018-2019 đạt 05 giải, 12 giải cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; Thi CLB Toán tuổi thơ đoạt 03 giải Vàng, 02 giải Bạc và 01 giải Đồng; thi Trạng nguyên Tiếng Việt trên Internet đoạt 01 giải Hoàng Giáp, 08 giải Nhất, 06 giải Nhì, 06 giải Ba; Đội Bóng đá học sinh THCS đã vượt qua vòng loại khu vực vào thi đấu vòng Chung kết toàn quốc tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp; Giải Taekwondo học sinh toàn quốc năm 2019 đội tuyển của tỉnh đoạt 04 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng…

Về cơ sở vật chất trường học, UBND tỉnh chỉ đạo ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải ưu tiên quỹ đất quy hoạch hệ thống trường học phù hợp theo hướng chuẩn, hiện đại hóa và có giá trị sử dụng lâu dài. Đáp ứng mục tiêu 100% phòng học kiên cố, 100% trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2020 do UBND tỉnh đề ra. Sẵn sàng cho chương trình thay SGK mới, được Bộ GD-ĐT áp dụng từ năm học 2020-2021.

Vượt qua mọi khó khăn, bằng sự nỗ lực của toàn ngành, cùng sự quan tâm của tỉnh, Bắc Ninh vẫn luôn là điểm sáng giáo dục của cả nước.