Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017

17/05/2017 21:36

(BNP) - Sáng 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tham d tại điểm cầu Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tiến Nhường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành và đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cộng đồng doanh nghiệp cả nước đã từng bước vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển và đóng góp chủ lực cho thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2016 đến nay, cả nước có gần 150.000 doanh nghiệp thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay; 
gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được tiếp nhận và chuyển tới cơ quan Nhà nước để xem xét, giải quyết, trong đó, có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết. Lũy kế đến hết ngày 20/4/2017, cả nước có 23.272 dự án FDI còn hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân, điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt. 
 
Việc triển khai Nghị quyết đã tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương; công tác phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính được các tỉnh, thành phố quan tâm và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; một số cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực; chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả để kiểm tra, giám sát; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp…
 
Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tập trung đánh giá, thảo luận các hoạt động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ. Các doanh nghiệp tại nhiều địa phương đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, cũng như thẳng thắn đề xuất nhiều kiến nghị với Chính phủ như: cần hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề tỷ giá; doanh nghiệp trong nước cần được hỗ trợ để đầu tư công nghệ phát triển, nâng cao tính cạnh tranh; giảm thiểu các cuộc thanh, kiểm tra có nội dung chồng chéo đối với doanh nghiệp…
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn những ý kiến, kiến nghị và những đóng góp chân thành, thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp.
 
Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm qua, Thủ tướng cho rằng mặc dù việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản đối với doanh nghiệp vẫn đang gặp phải về thể chế chính sách; vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp...

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, vốn, giải quyết các thủ tục về thuế… Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, các hiệp hội cần góp ý xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách để chúng ta có môi trường tốt hơn; phấn đấu đứng ở nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư thông qua thể chế và chính sách.
 
Để xây dựng được một Chính phủ hành động, kiến tạo, Thủ tướng Chính phủ cam kết trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện tốt 2 vấn đề, đó là tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật… Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế.


Thủ tướng nhấn mạnh, “Cha ông ta đã nói, dân cường thì nước thịnh. Muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém”. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương trong cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường để doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững.
 
Ngay sau Hội nghị, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương tập trung cải cách hành chính, tổ ch
c đánh giá năng lực cạnh tranh cấp ngành, xây dựng các giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index)… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.
 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, ngay trong chiều nay, tỉnh sẽ tổ chức ra mắt và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh, đây là mô hình mới, do vậy, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, bổ sung để Trung tâm ngày càng hoàn thiện và hoạt động hiệu quả, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho nhân dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.

 

S.T-T.M