Hội thảo nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
(BNP) - Chiều 25/11, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Dự Hội thảo có lãnh đạo Cục ATTP (Bộ Y tế); đại diện lãnh đạo Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm một số tỉnh, thành phố và các Sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh Nguyễn Vinh Thanh cho biết, Bắc Ninh là tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước với nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư, thu hút hàng trăm nghìn người lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong nền công nghiệp là sự phát triển của các dịch vụ cung cấp nguyên liệu thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể... Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP, đưa tiêu chí về ATTP vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí để bình xét gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa nhằm góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ đó đã tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh Nguyễn Vinh Thanh phát biểu đề dẫn.
Sau 04 năm hoạt động thí điểm, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã luôn tích cực, chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Bộ máy hệ thống quản lý ATTP được kiện toàn từ tỉnh đến xã; 100% các xã, phường, thị trấn đều có cộng tác viên về ATTP; 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng đều được tiếp cận các thông tin về ATTP; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc cấp tính. Trong giai đoạn 2017-2021, số vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người mắc trở lên giảm 78% so với giai đoạn trước. Các vụ ngộ độc thực phẩm đều được tiến hành điều tra, xử lý, lấy mẫu kiểm nghiệm xác định nguyên nhân, xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả theo quy định.
Đại diện Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng trình bày tham luận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Ý thức của một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP chưa cao; thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ với nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn còn khó khăn; tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, gây tổn thất lớn về kinh tế, chính trị, đời sống an sinh xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày tham luận.
Tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung liên quan đến công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm; giải pháp trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giám sát và thực hiện an toàn thực phẩm tại cơ sở và cộng đồng dân cư; giải pháp đảm bảo ATTP trong sản xuất ban đầu đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm trong chứng nhận và kết nối tiêu thụ sản phẩm chuỗi nông sản, lâm sản và thủy sản an toàn; kiểm soát ATTP trong lưu thông, vận chuyển; phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo ATTP các xã, thị trấn…
Hội thảo là cơ sở để Ban Quản lý ATTP tỉnh đánh giá thực trạng công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP trong thời gian tới.