Khuyến cáo cách phòng bệnh do vi rút Adeno
(BNP) - Trong những ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng trước tình trạng trẻ nhiễm vi rút Adeno tăng cao, trong đó đã có nhiều trường hợp tử vong. Vậy vi rút Adeno lây qua đường nào, cách nhận biết và phòng tránh bệnh ra sao?
Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, vi rút Adeno là một trong những tác nhân gây ra một số bệnh đường hô hấp và dễ gặp vào thời điểm giao mùa. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm Adenovirus. Tuy nhiên, trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người già và các trường hợp mắc bệnh lý mạn tính sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn và có thể tiến triển bệnh nặng hơn nếu mắc phải.
Khi xâm nhập vào cơ thể, vi rút Adeno có thể tác động lên nhiều cơ quan, đặc biệt là các cơ quan hô hấp, cơ quan tiêu hóa và mắt. Một số bệnh lý do vi rút Adeno gây ra như viêm họng cấp, viêm họng kết mạc, viêm đường hô hấp cấp, viêm kết mạc mắt, viêm phổi, viêm dạ dày, ruột,… Bên cạnh đó, vi rút Adeno còn có thể gây viêm bàng quang ở trẻ em, trong đó bé trai có nguy cơ cao hơn bé gái.
Adenovirus lây qua đường nào?
Con đường lây nhiễm chủ yếu của loại vi rút Adeno là giọt bắn, đường hô hấp khi tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với người bệnh. Khi bơi lội hay dùng chung nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm với người người bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút. Bên cạnh đó, dùng chung các đồ dùng cá nhân với người nhiễm virus cũng có thể khiến trẻ bị lây bệnh.
Đặc tính của vi rút Adeno: Sức sống của loại virus này khá tốt. Chúng có thể tồn tại khoảng 30 ngày nếu sống trong nhiệt độ phòng. Trong điều kiện 40 độ C, virus có thể sống trong nhiều tháng. Thậm chí với điều kiện -200 độ C, thời gian sống của virus Adeno có thể tính bằng năm. Virus có thể nhân lên sau khoảng 30 giờ xâm nhập vào cơ thể người.
Thời gian tồn tại lâu trong môi trường cùng với khả năng nhân lên cao, khiến vi rút càng dễ dàng lây lan nhanh trong cộng đồng. Tuy nhiên, ở nhiệt độ 56 độ C, chúng có thể mất độc lực và bị tiêu diệt trong khoảng từ 3 đến 5 phút.
Những biểu hiện khi nhiễm virus Adeno rất giống với các loại bệnh thông thường về đường hô hấp, chính vì thế nhiều bậc phụ huynh chủ quan và dễ bị nhầm lẫn. Điều này khiến việc phát hiện bệnh chậm trễ, vi rút có thêm cơ hội lây lan bệnh và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Cách phòng tránh Adenovirus cho trẻ
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ:
+ Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ có thể giảm nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó bao gồm cả những bệnh về đường hô hấp.
+ Cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời.
+ Khi trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm: Mẹ cần tìm hiểu và lên thực đơn hợp lý cho trẻ.
+ Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá;
- Chú ý vệ sinh cho trẻ:
+ Nên thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho trẻ mỗi ngày.
+ Thường xuyên nhắc nhở trẻ sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng. Đây là cách phòng bệnh hiệu quả và thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
- Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là vào thời điểm giao mùa. Không để trẻ ra nhiều mồ hôi khi chơi đùa để tránh nhiễm lạnh.
- Không nên cho trẻ đến những nơi công cộng khi đang xảy ra dịch bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải cho trẻ ra ngoài, cần đeo khẩu trang cho trẻ.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Cho trẻ tiêm các vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Trong trường hợp trẻ có biểu hiện sốt, ho, mệt và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.