Làng gốm Phù Lãng
Ảnh minh họa.
Ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông học được nghề làm gốm và về truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này được truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ XIII) nghề này được truyền đến đất Phù Lãng Trung.
Nguyên liệu để tạo ra sản phẩm của nghề gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, mua ở làng Thống Vát, Cung Kiệm (xã Việt Thống). Qua nhiều công đọan, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công. Sản phẩm chính của nghề gốm Phù Lãng là chum vại, chậu nồi, ấm đất, chậu sành, tiểu sảnh… Gốm Phù lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp.
Về kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình, trang trí sản phẩm, gốm Phù Lãng không thua kém sản phẩm gốm của những địa phương khác. Nhưng gốm Phù Lãng được người Việt Nam yêu mến ở tính chất đắc dụng của nó. Trong cuộc sống hàng ngày không có một gia đình nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ nào không dùng đồ dùng là gốm Phù Lãng. Đó là chum tương, vại cà, cái âu, cái ấm đất, cái chậu sành…