Làng gốm Phù Lãng

06/12/2017 08:49

(BNP) - Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh là một trong ba trung tâm gốm cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, được hình thành và phát triển cách đây khoảng 900 năm với những sản phẩm thủ công truyền thống, đồ gia dụng.

 

Gốm Phù Lãng có ưu thế ở chất men màu tự nhiên, bền và lạ, dáng gốm mộc mạc, thô phác, nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và đậm nét điêu khắc. Từ xưa đến nay, Phù Lãng vẫn được xem là một vùng quê đẹp của đất Kinh Bắc và "sơn thủy hữu tình". Cả làng tựa vào chân đồi, với dòng sông Cầu thơ mộng bao quanh, bến nước Phù Lãng ngày đêm tấp nập thuyền bè qua lại nối liền hai bến bờ Bắc Ninh và Bắc Giang.
 
Theo Tô Nguyễn, Trình Nguyễn trong sách Kinh Bắc - Hà Bắc thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong thời gian đó, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Ban đầu, nghề này được truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ XIII) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung.
 
Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng, gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Đất được chở về Phù Lãng theo đường sông. Điều này rất thuận lợi do Phù Lãng không phải lấy đất sét tại chính làng họ, tránh phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan làng nghề.
 
Ðất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc mầu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho "ngậm" nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm. Dưới bàn tay của người thợ thủ công, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.
 
Nét đặc trưng nổi bật trong trang trí gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, mà người Phù Lãng quen gọi là chạm kép các đề tài: tứ linh, nghê, hạc, mặt hổ phù, chữ Thọ, hồi văn, cánh sen, sóng nước...
 
Đối với những sản phẩm được sản xuất đại trà như gốm dân dụng, người Phù Lãng rất ít trang trí. Tuy nhiên, gốm Phù Lãng có ưu thế ở chất men màu tự nhiên, bền và lạ, dáng gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và đậm nét điêu khắc.
 
Hiện nay, đồ gốm dùng trong tín ngưỡng dân gian Phù Lãng vẫn còn hiện diện trong một số di tích lịch sử ở châu thổ sông Hồng như các đình, đền, chùa… Điều đặc biệt là làng gốm Phù Lãng còn nhiều vẻ nguyên sơ, cuộc sống của người dân nơi đây cũng mộc mạc như chính chất liệu làm gốm vậy.

 

Tổng hợp: S.T