Giữ gìn làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt

31/03/2021 13:13

Không chỉ nổi danh là một làng Việt cổ bên tả ngạn con sông Cầu với những di sản văn hóa, đánh dấu những mốc son thăng trầm của văn hóa làng xã, làng Vọng Nguyệt xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh còn khắc sâu vào ký ức mỗi người về một làng nghề tơ tằm lâu đời bậc nhất xứ Kinh Bắc, vang danh khắp vùng.

Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa gắn bó với người làng Vọng Nguyệt đã gần ngàn năm nay. (Ảnh nguồn Internet)

Vọng Nguyệt từng vang danh khắp vùng với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhắc đến nghề ươm tơ, dệt lụa ở đây bắt đầu từ khi nào thì hầu như không ai còn nhớ, chỉ nhớ về những câu chuyện truyền đời từ ngày xa xưa, khi Vọng Nguyệt còn là mảnh đất được triều đình giao cho nhiệm vụ ươm tơ dệt vải. Nhiều dòng họ lớn trong làng như: Nguyễn Hữu, Chu, Ngô Quý, Ngô Xuân đã đoàn kết cùng nhau tạo nên danh tiếng làng tơ tằm Vọng Nguyệt vang xa khắp nơi.

Người nơi khác thường nói rằng Vọng Nguyệt được thiên nhiên ưu ái  ban tặng cho vị trí đẹp, với những cánh đồng đỏ phù sa cho nương dâu bốn mùa tươi tốt. Còn người Vọng Nguyệt như có duyên với nghề nông tang, khi nuôi tằm thì cho nhiều kén, mỗi nong kén lại kéo được rất nhiều tơ. Cùng với sự cần mẫn, khéo léo và yêu nghề, người Vọng Nguyệt đã tạo ra những sợi tơ tằm óng ả, suôn mềm, bền, dai và chắc chắn dệt nên những tấm hoàng bào, quốc phục và gấm vóc, lụa là sang trọng quyền quý được chốn cung đình ưa chuộng.

Có một thời Vọng Nguyệt là một trong những ngôi làng sầm uất và huyên náo bậc nhất bên dòng sông Cầu bởi việc giao thương, bán mua tơ tằm luôn tấp nập người ra kẻ vào. Tơ tằm Vọng Nguyệt được ưa chuộng chốn cung đình, vang danh chốn Kinh thành nên các thương lái khắp nơi đổ về đặt hàng, người dân sản xuất không kịp cho tiêu thụ. Nhờ đó mà đời sống ngôi làng nhỏ bên bờ con sông Cầu đã phồn thịnh và no đủ trong vài thế kỷ.   

Tuy chiến tranh đã làm cho làng nghề bị mai một khá nhiều, hòa bình lập lại, bằng niềm yêu nghề của những nghệ nhân già và nhiệt huyết giữ nghề của người trẻ, làng nghề lại một lần nữa được thổi lửa. Từ đó nhà nhà, người người tập trung trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo kén, tập trung sản xuất trong bầu không khí vui như trẩy hội.

Ngày nay, làng nghề Vọng Nguyệt cũng khó tránh khỏi những lao đao, nhưng dẫu khó khăn thiếu thốn trăm bề, người Vọng Nguyệt vẫn cố bám trụ với nghề cổ xưa như cách họ trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử về làng.

Không chỉ là một làng nghề tơ tằm lâu đời bậc nhất xứ Kinh Bắc, vang danh khắp vùng, Vọng Nguyệt còn nổi tiếng là “Làng khoa bảng” bên sông Cầu. Ở làng, có con cháu nhà ông Ngô Sử Toàn với bà Chu Thị Bột có 5 đời đỗ khoa bảng (tiến sĩ), đều có người ra làm quan trong triều phò vua, giúp nước, thương dân. Nhà thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt đã được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng để gìn giữ một truyền thống nhân ái và hiếu học cho muôn đời sau.

Dưới thời Mạc Đăng Doanh, hậu duệ của Đô úy Chu Đình Dự đỗ tiến sĩ là Chu Địch Huấn. Ông làm quan dưới triều Mạc đến hộ bộ thượng thư, tước Thiêm xuyên hầu. Sang thế kỷ XVIII, Nguyễn Duy Thức đỗ tiến sĩ khi thi Hội ông đỗ đầu khoa Quý mùi 1763 dưới thời lê Hiển Tôn, năm ông 30 tuổi. Ông là người văn võ song toàn. Sau thế kỷ XIX, dưới thời vua Tự Đức, trong dòng họ Ngô Quang có ông Ngô Quang Diệu đỗ phó bảng khoa Kỷ Dậu 1849. Ông làm quan đến hàn lâm viện. Từ Ngô Như Ngọc đỗ tiến sĩ khai khoa, đến ông là người đỗ đại khoa, Vọng Nguyệt cũng là làng có nhiều tiến sĩ nhất ở huyện Yên Phong.

Có thể nói Vọng Nguyệt được xem là một trong số ít những làng quê Việt Nam vừa giỏi làm nghề, vừa giỏi chữ nghĩa. Dẫu ngàn đời mải miết bên khung cửi, mưu sinh cơm áo nhưng những người nông dân chân lấm tay bùn nơi đây vẫn không quên nhắc nhở con cháu phải yêu chữ nghĩa như yêu nghề, họ truyền cảm hứng hiếu học cho những thế hệ sau.

Nguồn: Sưu tầm