Nghề rèn làng Vát

06/01/2021 15:41

Thôn Việt Vân (hay còn gọi là làng Vát) là một làng cổ nằm ở phía Tây Nam xã Việt Thống, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, với các dòng họ cư trú lâu đời gồm: Nguyễn Văn, Bùi Văn, Phạm Văn, Lê Xuân, Hạ Bá, Nhữ Đình… Người dân Việt Vân sống chủ yếu bằng nghề nông, ngoài ra còn có nghề rèn nổi tiếng từ lâu đời đem lại việc làm và thu nhập cho người dân.

Nghề rèn làng Vát tại xã Việt Thống, huyện Quế Võ. (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Quế Võ)

Với người làng Vát, khó ai nhớ rõ khởi thủy của nghề rèn, theo các bậc cao niên trong làng thì nghề rèn đã có từ hàng trăm năm nay. Vào thời Lý (thế kỷ XI), khi Thái úy Lý Thường Kiệt cho xây dựng phòng tuyến sông Cầu để đánh quân Tống thì người dân làng Vát đã lập thành xưởng rèn vũ khí cho quân dân nhà Lý và hiện ngoài bờ đê vẫn còn mô đất là dấu tích minh chứng.

Người dân làng Vát luôn tự hào về chiến công vẻ vang của nghiệp thợ rèn làng Vát - Võ Ninh được sử sách ghi lại gắn với sự tích Linh từ Mẫu quốc (vợ Thái sư Trần Thủ Độ) - là người có sáng kiến rèn một cây kiếm quý trao cho người có công để khích lệ quân nhà Trần phản công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII).

Theo các cụ trong làng cho biết thì nghề rèn phát triển mạnh từ những năm 1945, bởi lúc này, Mặt trận Việt Minh về đặt vấn đề rèn kiếm và dao găm để cung cấp cho nhân dân trong vùng đánh Pháp đuổi Nhật sau đó trả tiền hoặc cung cấp nguyên vật liệu là sắt và than. Thời kỳ 1949 - 1950, khi công cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc bước sang giai đoạn phản công, yêu cầu rèn đúc các loại vũ khí đánh giặc được đặt ra, làng nghề đã rèn các loại vũ khí là giáo mác, dao, kiếm…

Những năm 1955 - 1962 là thời kỳ phát triển nhất của làng nghề. Hầu hết các sản phẩm như dao, kéo, liềm, cuốc… đều được khách buôn từ một số vùng lân cận tìm về đặt trước. Cả làng tất bật với nghề, ba giờ sáng đã bắt đầu nổi lửa. Nhiều gia đình giầu có nhờ làm nghề như hộ ông Khuông, ông Lương, ông Đốc, ông Minh, ông Quản Lưu, ông Quản Khôi… Thời kỳ này, HTX lò rèn Việt Vân được thành lập với trên 30 lò rèn do ông Nguyễn Văn Chiền làm chủ nhiệm, có một tổ Đảng với 6 - 7 đảng viên sinh hoạt. Cứ vào cuối tuần là cả làng lại tấp nập mang hàng lên thị xã để nhập cho Ty Thương nghiệp phân phối đi các nơi.

 Đặc biệt vào năm 1960, khi Bác Hồ về thăm đê sông Cầu và công tác phòng chống lụt bão của nhân dân Việt Thống đã được nghe người dân kể về tình hình sản xuất của làng nghề. Sau đó, người thợ Việt Vân được giao đánh 2 con dao cạo dâu và kéo cắt tóc để gửi tặng Bác Hồ. Cụ Học và cụ Đốc được giao nhiệm vụ mang ra Trung ương tặng Bác và được Bác gửi thư tay ca ngợi, đại ý là chỉ làm thủ công bằng tay mà rèn được những sản phẩm sắc bén như thế này thì rất giỏi. Bức thư được ông Đốc cất giữ nhưng giờ không còn nữa.

Thời điểm những năm 1966 - 1967, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Triều Tiên, Nhà nước tổ chức xây dựng hệ thống trạm bơm ở Kim Chân, Hiền Lương, Phả Lại thuộc huyện Quế Võ để phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Các chuyên gia Triều Tiên đã trực tiếp về làng tuyển thợ giỏi để gò hàn các đầu mối quan trọng. Khi về làng, chuyên gia đã giao đồ cho hiệp thợ rèn Việt Vân làm. Chỉ căn cứ bằng “mực mắt” và đôi tay lành nghề, người thợ đã nhanh chóng hoàn thành sản phẩm và được các chuyên gia đánh giá rất cao và có giấy chứng nhận thợ bậc 4, bậc 5 cho rất nhiều người thợ ở làng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Tụng và Nguyễn Văn Kiu được đoàn chuyên gia phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân”.

Nghề rèn ở Việt Vân với sản phẩm nổi tiếng “dao Vát” có lịch sử từ lâu đời, cho đến nay, trước cơ chế hiện đại nhiều sản phẩm mới và sự cạnh tranh của các làng nghề rèn ở Đa Sỹ (Hà Nội), Đa Hội (Bắc Ninh), nghề rèn của làng đã mai một đi khá nhiều và có nguy cơ mất hẳn vì hiện làng chỉ còn 2 lò rèn duy trì thường xuyên và không có người theo nghề. Nhưng với những người còn trăn trở với nghề như anh Bích, anh Đận, anh Le... thì việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống làng Vát là ý nguyện của nhiều hộ dân và chính quyền địa phương nơi đây, bởi nó không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa làng nghề miền quê Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Nguoikinhbac.vn