Rượu Nếp làng Cẩm
Làng Cẩm Giang nằm bên bờ sông Tiêu Tương gắn liền với huyền thoại Trương Chi - Mỵ Nương, ngày nay vẫn mang dáng dấp của một làng Việt cổ thuộc phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Công đoạn ủ men rượu nếp (Nguồn Internet).
Cách trung tâm Hà Nội 20 km về phía Đông Bắc, xưa làng Cẩm nổi tiếng nghề trồng lúa nước, dệt vải, đặc biệt là nghề nấu rượu. Với bàn tay khéo léo của người làng Cẩm dựa trên phương pháp thủ công truyền thống, họ đã làm ra loại rượu có hương vị rất riêng.
Trước hết, phải có giống nếp cái hoa vàng nguyên gốc, cấy trồng trên trầm tích sa bồi của đôi bờ Tiêu Tương màu mỡ. Khi lúa nếp chín cho hạt chắc mẩy vàng ươm, sẽ được xay bằng cối thủ công nên giữ nguyên lớp vỏ cám.Gạo nếp đem vo, ngâm từ 6 đến 8 giờ, rồi để cho ráo nước kết hợp cùng men tán nhỏ mịn. Gạo được mang đồ xôi hai lần cho đến khi có mùi thơm nức thì mang ra hong gió cho đến khi nguội hẳn. Lá sen phải là loại lá bánh tẻ không non mà cũng không quá già trải vào rá dùng ủ xôi. Cứ một lớp xôi đồ sẽ rắc một lớp men cho đều và cứ thế cho đến khi hết, sau đó, đậy lớp lá sen lên trên cùng cho kín, đem ủ kín sau 36 tiếng đồng hồ, khi có mùi thơm là được. Rượu nếp cái có thể dùng ăn ngay, nước chiết xuất dưới đáy rá tưới đều lên xôi rượu.
Nếu muốn làm rượu để dùng lâu, người ta đổ thêm rượu chưng cất thông thường từ 45º - 50º vào rượu nếp cái và cho vào vò rồi bưng kín nắp bằng lá chuối khô, vải lụa tơ tằm, phía trên có đậy nắp sành, hạ thổ khoảng 03 tháng hoặc 1năm sẽ được một vò rượu ngon, sóng sánh và thơm thần kỳ.
Rượu nếp cái làng Cẩm trở thành một món quà quý dành cho những ngày lễ, Tết hoặc đặt vào mâm quả cưới cho đôi trẻ. Ai một lần về Bắc Ninh đừng quên mang về một vài bình rượu - sản phẩm làng nghề, đặc sản quê hương mang thương hiệu Việt Nam đang từng bước chinh phục du khách năm châu bốn biển.