Lăng và Nhà thờ quận công Đỗ Nguyễn Thụy

23/09/2022 07:30

(BNP) - Lăng và Nhà thờ quận công Đỗ Nguyễn Thụy (xã Nội Duệ, huyện Tiên Du) là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ phụng, tưởng niệm danh nhân. Di tích vốn được khởi dựng từ thời Lê (TK XVIII) và đã trải qua một số lần tu sửa, đều mang nét kiến trúc điêu khắc nghệ thuật thời Lê còn lại tới ngày nay.

Cổng vào Lăng mộ Đỗ Nguyễn Thụy.

Di tích được xây dựng vào năm 1739, gồm 2 công trình: Lăng mộ và Nhà thờ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy - người đã bỏ tiền ra để xây lăng mộ (sinh từ), rồi cúng ruộng cho dân thôn, xã và hàng tổng Nội Duệ. Trải thời gian và chiến tranh, di tích vẫn luôn được gia tộc và nhân dân quan tâm bảo vệ. Năm 1976, nhà thờ đã được gia tộc tu sửa lại, cơ bản chỉ tôn cao nền còn vẫn giữ nguyên trạng thái kiến trúc ban đầu. Năm 2016, Nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ nhà thờ (nâng nền, thay hoành dui, nâng cột).

Bên trong khuôn viên Khu lăng mộ.

Di tích nằm trong thôn Đình Cả, trong đó, Lăng mộ (còn gọi là sinh từ) ở đầu xóm Tây (hay xóm Lăng), cạnh ao làng và gần bên Tỉnh lộ 295B; nhà thờ nằm giữa khu dân cư, quay hướng Đông Nam, xung quanh giáp khu dân cư.

Chính giữa vòm lớn Tam môn có ba chữ hán lớn “Phúc Thọ Môn”.

Toàn bộ khu lăng mộ được bố trí gọn, hài hòa. Tam môn xây bằng đá ong, mái uốn khum, xung quanh cửa tạo gờ nổi trong khung hình chữ nhật, trên có diềm đua ra. Phía trên, chính giữa vòm lớn gắn một phiến đá xanh trang trí hoa văn trên gờ, giữa nổi bật ba chữ hán lớn “Phúc Thọ Môn”.

Trong khuôn viên có 2 hàng tượng bằng đá đứng đăng đối gồm: võ sĩ, ngựa, nghê.

Phía sau có hương án bằng đá.

Nhà bia được xây bằng đá ong

Nhà bia xây bằng đá ong theo kiểu am, vòm dạng chóp tháp, trổ cửa 4 mặt cuốn vòm như cổng Tam quan. Bên trong dựng bia tứ diện chữ chìm khắc đẹp rõ ràng, có tên “Huệ phúc điền bi ký” được khắc năm 1734. Ngoài ra, phía sau từ chỉ (bệ thờ) là hai chó đá ngồi chầu canh gác bên phần mộ xây bằng đá ong theo hình vuông. Đây chính là nơi an nghỉ cuối cùng của quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

Nhà thờ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

Nhà thờ có hướng Đông Nam gồm 5 gian 2 dĩ dựng trên nền bó gạch, phía trước vỉa đá xanh. Kiến trúc kiểu bình đầu cột trụ cánh phong, bên trong bố trí kiểu “Nội tự ngoại khách” được ngăn cách bằng dãy cửa “Thượng song hạ bản”, 2 gian buồng đóng cửa bức bàn. Hệ khung chịu lực làm bằng gỗ lim gồm 6 vì, mỗi bộ vì có 5 hàng chân cột. Kết cấu bộ vì theo lối chồng rường con tam kết hợp với kẻ truyền, bẩy, hiên nối cổ ngỗng, riêng hai vì đầu hồi kiểu trụ sóc nóc, đơn giản.

Hệ khung chịu lực làm bằng gỗ lim.

Hầu hết ở 2 đầu các bộ phận kiến trúc chính trong nhà thờ đều chạm nổi, chạm thủng, chạm kênh bong các hình mây lửa, hoa lá đan xen thú 4 chân luồn lách nghiêng ngó cùng rồng biến thể cách điệu với kỹ thuật cao tài nghệ, các mảng chạm khắc đó được liên kết bởi các con chồng tạo thành bức phù điêu sống động.

Kiến trúc chính trong nhà thờ đều chạm nổi, chạm thủng, chạm kênh bong các hình mây lửa.

Phía ngoài phần hiên được chạm nổi hoa văn tựa như cổ ngỗng.

Đặc biệt trên con rường giáp sà nóc bên phải, người thợ chạm nổi hai con thú chụm đầu ngộ nghĩnh, cong người như muốn cùng chung gánh nặng. Phía ngoài phần hiên nối theo bẩy một đoạn chạm nổi hoa văn tựa như cổ ngỗng, mang đậm phong cách độc đáo của kiến trúc xưa.

02 ngai thờ thế kỷ XVIII.

Đỗ Nguyễn Thụy được sinh ra và lớn lên trong gia đình họ Đỗ Nguyễn ở thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc (nay là thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan hơn 20 năm trong phủ chúa, trông nom và huấn hồ cấm binh, ông đảm nhận công việc rất chu đáo, cho nên dù ông không mang tới cảnh công danh, địa vị nhưng do cần mẫn trong phiên phủ nên ông đã được giao nhận các chức trọng yếu từ: Kiểm tri, Phó tri, tư lễ thấu ban lên Thái giám rồi đồ giám Tổng giám. Ông về hưu trí sống với dân cũng được dân làng mến mộ. Quận công Đỗ Nguyễn Thụy mất ngày 17 tháng Giêng.

Kiệu bát cống TK XVIII.

Hiện nay các hoạt động kỷ niệm, sự lệ diễn ra tại di tích gồm: Ngày giỗ Quận công vào 17 tháng Giêng; Ngày hội làng từ 11 đến 13 tháng Giêng. Xưa vào ngày 11, tổ chức rước ngai của cụ từ Nhà thờ ra Lăng và ra đình. Tuy nhiên hiện nay chỉ tổ chức rước từ Lăng của cụ về đình, sau đó tổ chức tế lễ và dự hội. Ngày 14, rước cụ về yên vị tại Lăng.

Di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 74-VH/QĐ ngày 2/02/1993.

A.T