Lễ hội chùa Bút Tháp

24/04/2019 10:54
(BNP) - Lễ hội chùa Bút Tháp là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, lễ hội góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Một nghi lễ tại Chùa Bút Tháp (Nguồn: Internet).

Các hoạt động trong lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, trang trọng và phù hợp với cuộc sống đương đại. Phần Lễ diễn ra trong khu nội tự với các hoạt động tín ngưỡng như: lễ cúng Phật, lễ dâng hương, lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, lễ cúng tổ… Sau khi thực hiện các nghi thức tế lễ, chiêm ngưỡng kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa như: cầu đá, cối xay gạo, tháp bút, pho tượng phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay - một bảo vật quý hiếm của Quốc gia, du khách còn được hòa mình trong không gian rộng lớn của phần Hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ như: hát Quan họ trên truyền rồng; hát chèo cùng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian đặc sắc và hoạt động thi đấu TDTT như: Cờ tướng, Tổ tôm điếm, Bóng bàn, Cầu lông… Các hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao ở các tỉnh lân cận…

Chùa Bút Tháp được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt năm 2013. Chùa được xây dựng từ rất sớm, dưới thời Trần. Khoảng những năm 1642 - 1674, chùa được các quý tộc triều Lê cho dựng lại với quy mô lớn, có mặt bằng kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Trải qua nhiều lần tu sửa, kiến trúc chùa Bút Tháp hiện nay cơ bản của thế kỷ thứ XVII, gồm các hạng mục: Tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, Tích Thiện am, nhà trung, phủ thờ, hậu đường và hai dãy hành lang ở hai bên. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, chùa hiện còn lưu giữ hàng trăm hiện vật, với nhiều loại chất liệu, có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, trong đó có gần 100 pho tượng, đặc biệt là Bảo vật quốc gia - pho tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt là một kiệt tác tiêu biểu cho di sản mỹ thuật Phật giáo thời Lê Trung Hưng./.

 
M.H