Lễ hội Đền Đô – Tiếng gọi cội nguồn

22/08/2019 16:05

(BNP) – Cứ vào ngày 14-16/3 (âm lịch) hàng năm, du khách thập phương lại nô nức kéo về Bắc Ninh để dự Lễ hội Đền Đô. Đây là Lễ hội lớn, được tổ chức mỗi năm một lần nhằm kỷ niệm ngày Vua Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở vương triều hưng thịnh, tạo dựng, phát triển Quốc gia và nền văn hoá Đại Việt rực rỡ; đồng thời tưởng nhớ công lao to lớn của 8 vị Vua triều Lý.

Tổ tôm điếm tại Lễ hội Đền Đô.

Đền Đô, hay còn gọi là Đền Lý Bát Đế, Đền Cổ Pháp thuộc Khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trong Đền thờ 8 vị Vua triều Lý: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224). Với những giá trị lịch sử, văn hóa, năm 2014, Di tích lịch sử Khu lăng mộ và Đền thờ các vị Vua triều Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Lễ hội Đền Đô diễn ra trong 3 ngày (từ 14–16/3 âm lịch), chính hội là ngày 15/3 – ngày Vua Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất 1010) và ban "Chiếu dời đô". Lễ hội được chia thành 02 phần: phần Lễ và phần Hội. Trong phần Lễ, khai hội là phần quan trọng với nghi thức tế lễ “Túc Yết”, đây là nghi thức rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu Phạm Thị, người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ từ Đền Đô đến Đình thờ Thành Hoàng và Lục tổ (những vị đứng đầu sáu dòng họ có công lập làng vào thế kỷ XV), qua chùa Kim Đài (chùa thờ Pháp sư Định Không, ông Tổ thứ sáu của Phật giáo), rồi đến chùa Cổ Pháp và làm lễ tưởng niệm tại đây.

Lễ rước Lý Bát Đế sang chùa Cổ Pháp được diễn ra vào chiều 14/3 để đêm ngày 14 sẽ tụng kinh nhà Phật và chuẩn bị mọi nghi thức để sáng ngày 15 rước linh bài về Đền Đô. Đám rước thu hút hàng vạn người tham gia từ chùa Cổ Pháp về Đền Đô, gồm 1 long đình, 1 kiệu mẫu và 8 kiệu Vua với độ dài khoảng 3 km. Ði đầu đám rước gồm đội múa rồng thể hiện hùng khí Thăng Long; đoàn cờ, trống, đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Tiếp sau là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu các Vua, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời thị uy hào khí Thăng Long.

Cùng với phần Lễ, phần Hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao 
phong phú như: Thi cờ tướng, tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi, bóng bàn, đấu vật, thổi cơm niêu đất, thi gói bánh phu thê, thả chim bồ câu bay, hát quan họ, biểu diễn cải lương, giao lưu thơ ca… cùng nhiều trò chơi dân gian như bịt mắt bắt lợn, đi cầu kiều, cầu khỉ, đập bóng nước…

Lễ hội Đền Đô là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục được nhân dân Đình Bảng lưu giữ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, Lễ hội Đền Đô như tiếng gọi cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau hãy biết trân trọng và gìn giữ tinh hoa cha ông bao đời xây đắp.
Tổng hợp