Về xứ Kinh Bắc trẩy hội Lim

22/07/2019 15:54

(BNP) - Những ai từng đặt chân tới mảnh đất Bắc Ninh một lần, không thể bỏ lỡ cơ hội hòa vào dòng người trẩy hội mùa Xuân trong các lễ hội truyền thống, đặc biệt là hội Lim (huyện Tiên Du) để đắm mình trong các làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm mà say đắm lòng người.

Đông đảo du khách thưởng thức dân ca Quan họ tại hội Lim năm 2019.

Từ xa xưa, hội Lim có khởi đầu là hội tế thần, rước chạ, tổ chức hát xướng của các làng, xã trong Tổng Nội Duệ vào Rằm tháng Tám. Sau một thời gian, hội tế thần hát xướng của các làng, xã trở thành hội hàng tổng và được tổ chức quy mô vào Rằm tháng Tám hàng năm. Đến nửa sau thế kỷ XVIII, Tướng công Nguyễn Đình Diễn, người làng Đình Cả và Bồ đề ni (tục gọi là mụ Ả) đã chuyển từ lễ hội cầu phúc hàng tổng từ tháng Tám sang hội chùa, hội chạ vào đầu Xuân, ngày 13 tháng Giêng.

Theo dòng lịch sử dân tộc, hội Lim cũng có những bước thăng trầm, đứt đoạn. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hội Lim không được duy trì trong thời gian dài. Mãi tới cuối những năm 80 của thế kỷ XX, hội Lim được khôi phục trở thành sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian tiêu biểu nhất của quê hương Kinh Bắc.

Hội Lim là hội của 6 làng nên đám rước sẽ thực hiện các nghi thức cúng tế Thành hoàng của tất cả các làng đó; hội được tổ chức dọc theo sông Tiêu Tương. Theo nghi thức cổ truyền, trong phần tế lễ có nghi thức hát Quan họ thờ thần. Để hát thờ, các "bọn" Quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần. Do vậy, bao đời nay, hội Lim không chỉ là lễ hội khẳng định bản sắc văn hóa vùng mà còn là sự tưởng nhớ về sắc phong được ban cho làng…


Có thể nói, lễ hội vùng Lim là lễ hội tiêu biểu nhất của người Quan họ, bởi ở hội Lim không chỉ có phần lễ trang nghiêm, phần hội với nhiều trò chơi dân gian mà còn có không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ đặc sắc nhất. Ít có lễ hội nào mà không gian diễn xướng Quan họ lại phong phú như ở hội Lim, từ hát trên sân khấu, hát dưới thuyền, hát cửa đình, cửa chùa đến hát canh trong nhà chứa Quan họ hay tại gia đình nghệ nhân... Cũng vì thế mà hội Lim luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với mỗi người dân và du khách thập phương.

Ngày 13 tháng Giêng (âm lịch) mới là chính hội nhưng từ sớm ngày 12, trên đồi Lim – trung tâm lễ hội đã tưng bừng với các lán hát Quan họ và các trò chơi dân gian. Đến hội Lim, khách du xuân không chỉ được nghe Quan họ mà còn được xem nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, tham dự các trò chơi truyền thống như: Đánh đu, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm, thi cờ người... Tất cả tạo nên một không gian văn hoá riêng của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và thời gian, nhưng nhờ sự tinh tường trong nghề chơi Quan họ cộng với lề lối đối đáp tinh tế của những con người xứ Kinh Bắc tạo nên một nét duyên độc đáo khiến du khách trẩy hội Lim cứ mãi "dùng dằng", khó mà ra về. 
Tổng hợp