Lễ hội vùng Kinh Bắc, tôn vinh các danh nhân
Xứ Kinh Bắc nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện cổ, những huyền thoại và sự tích văn hoá, là xứ sở của đình, đền, chùa và lễ hội đặc sắc suốt bốn mùa.
Lễ hội Kinh Dương Vương (Thuận Thành).
Với 547 lễ hội gắn liền với các di tích lịch sử được lưu giữ, lễ hội là biểu hiện sinh động, ý nghĩa nhất tính gắn kết của cộng đồng làng xã, là biểu hiện phong phú của đời sống văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc của miền Quan họ và hướng con người tới cái Chân, Thiện, Mĩ.
Có dịp về miền quê Kinh Bắc những ngày xuân, đâu đâu cũng thấy không khí tưng bừng, náo nhiệt bởi những lễ hội diễn ra liên tiếp: “Mùng bốn đi hội kéo co/ Mùng năm hội Ó chẳng cho nhau về/ Mùng sáu đi hội Bồ Đề/ Mùng bẩy trở về đi hội Đống Cao…”. Trong đó có những hội nổi tiếng vượt ra khỏi quy mô làng, xã như hội Dâu, hội Lim, hội Diềm, hội đền Bà Chúa Kho, hội Phật Tích, hội Đền Đô, hội Thập Đình…
Với miền quê Kinh Bắc, văn hoá lễ hội thật đa dạng và phong phú, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu, đặc trưng riêng và gắn liền với những sự kiện lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Hầu hết các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, tưởng nhớ các danh nhân, những người có công chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương, người có công truyền nghề cho làng xã và được suy tôn là thần, thánh.
Hàng năm cứ đến ngày 18 tháng Giêng Âm lịch, người dân khắp bốn phương lại nô nức về dự lễ hội hướng về cội nguồn Tam vị thánh tổ: Thủy tổ Kinh Dương Vương, Quốc tổ Lạc Long Quân và quốc mẫu Âu Cơ tại ấp Phúc Thần, làng Á Lữ (nay là xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành). Hàng năm, lễ hội Kinh Dương Vương đã vượt ra khỏi lễ hội của làng quê mà lan rộng ra khắp cả nước để mọi người cùng hướng về với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ nguồn cội, tổ tông của con cháu đất Việt. Ngày hội cũng chính là dịp để các thế hệ con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên hội tụ về dâng hương, thờ phụng tổ tiên ngàn đời, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Mùng 8-4 Âm lịch về hội vùng Dâu, du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa, mà còn được nghe kể về truyền thuyết trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (người có công sáng tạo và xây dựng lên kiểu dáng ngôi chùa như ngày nay), tưởng nhớ Man Nương và Tứ Pháp, nghe truyền thuyết về dòng họ Nguyễn con cứu thánh để thấy rõ hơn bài học và noi theo tinh thần trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ truyền thống văn hóa quê hương; nghe chuyện cứu hỏa cứu hội để thấy được tình thân hữu hảo giữa hai làng Công Hà và Khương Tự còn được lưu giữ đến ngày nay. Hay hội Lim (13 tháng Giêng) là dịp để các làng thuộc tổng Nội Duệ xưa tưởng nhớ các danh thần Nguyễn Đình Diễn, Đỗ Nguyên Thụy, bà Mụ Ả… đã có công xây dựng quê hương. Lễ hội Đền Đô (15-3) hàng năm luôn được tổ chức trọng thể, kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang và tôn vinh các vị vua triều Lý đã có công khai mở một vương triều thịnh trị trong lịch sử dân tộc. Hội đền Vua Bà (làng Viêm Xá, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) là ngày hội nhớ ơn bà Thủy tổ Quan họ, người có công sáng tạo ra sinh hoạt văn hóa Quan họ. Hội đền Bà Chúa Kho (thôn Cô Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) để ghi nhớ công ơn người phụ nữ người làng Quả Cảm đã có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, giúp triều đình trông coi kho lương trong cuộc kháng chiến chống Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt. Hội Thập Đình (Gia Bình) tôn vinh Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, hội làng Hoài Thượng (Tiên Du) nhớ ơn danh nhân văn hóa, Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, người đã có nhiều đóng góp với quê hương. Tục chém lợn độc đáo trong lễ hội làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) xuất phát từ lòng tôn kính, tưởng nhớ Đoàn Thượng- vị tướng cuối đời Lý có công xẻ lợn nuôi quân, khai khẩn vùng đất hoang vu này.
Hầu như phần lễ trong lễ hội nào cũng là nghi thức quan trọng nhất, thể hiện đậm đặc, rõ nét nhất ý nghĩa tâm linh, tôn vinh, ngưỡng vọng đối với các danh nhân được tôn thờ. Ở nhiều lễ hội đã diễn lại các tích truyện, tái hiện sinh động công trạng của danh nhân. Bên cạnh đó, những hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian tiêu biểu như đánh đu, thi thổi cơm, dệt vải hay những trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ như đấu vật, kéo co… cũng thể hiện sự gắn kết cộng đồng làng xã, tạo sự phong phú cho lễ hội dân gian vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Xưa nay, lễ hội không chỉ là đời sống văn hóa tinh thần mà còn thể hiện sự tài hoa, tinh tế trong giao tiếp, ứng xử với bạn bè, quý khách. Có lẽ vì thế mà ngày hội làng đã trở thành ngày hội của mỗi nhà, là dịp đoàn viên để các thành viên trong gia đình quây quần, ghi nhớ công đức tổ tiên. Sinh hoạt lễ hội đã trở thành phong tục tập quán, mang đậm bản sắc văn hóa của người Bắc Ninh. Với ý nghĩa nhân văn to lớn, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, các lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, nhắc nhở thế hệ đời đời ghi nhớ công trạng của các danh nhân, giáo dục truyền thống lịch sử, góp phần xây dựng đời sống văn hoá mang đậm bản sắc của mỗi vùng quê. Ngày nay, các di tích lịch sử văn hóa đã trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách. Phát huy được các giá trị của di tích, phát huy được nét đẹp truyền thống của quê hương qua các lễ hội sẽ là cách làm hiệu quả nhất để giữ gìn văn hóa truyền thống, đồng thời xây dựng hình ảnh quê hương Bắc Ninh văn hiến, hiện đại.
Nguồn:
BBN