Lịch sử Bắc Ninh

08/02/2022 11:30

Bắc Ninh thời Việt cổ thuộc bộ Vũ Ninh của nhà nước Văn Lang. Dưới sự thống trị của nhà Tần (214- 209 TCN) Bắc Ninh thuộc quận Tượng; dưới triều Hán(210 TCN- 110 TCN) thuộc quận Giao Chỉ với hai huyện Luy Lâu và Long Uyên (hoặc Long Biên); dưới triều Ngô - thuộc chính quyền quận Giao Châu; dưới triều Tấn (248- 420) thuộc quận Giao Chỉ, với các huyện Long Biên, Luy Lâu, Vũ Ninh và Khúc Dương.

Bản đồ tỉnh Bắc Ninh năm 1886 (Ảnh Bảo tàng tỉnh cung cấp).

Đầu đời Đường, khoảng năm 622, Bắc Ninh được gộp trong địa phận Giao Châu, Đạo Châu (năm 623 được đổi thành Nam Đạo, năm 632 đổi thành Tiêu Châu), Long Châu thuộc Giao Châu Đô hộ phủ. Sau đó được gộp trong huyện Long Biên của Vũ Bình, Bình Đạo của Giao Châu thuộc An Nam Đô hộ phủ.

Thời Trần (1255- 1400), vùng Bắc Ninh thuộc Bắc Giang Lộ (hay Lộ Bắc Giàng). Kể từ năm 1407, tỉnh Bắc Ninh bao gồm phủ Bắc Giang và châu Lạng Giang của phủ Lạng Giang.

Thời Lê, năm 1428, Lê Thái Tổ chia cả nước ra làm 5 đạo. Bắc Ninh thuộc Bắc đạo (Bắc đạo khi đó gồm có Bắc Giang, Lạng Giang và Thái Nguyên). Năm 1466, thời Lê Thánh Tông, nước ta đặt làm 13 đạo (thực chất là 12 đạo thừa tuyên và 01 Phủ Trung Đô). Bắc Ninh thuộc đạo thừa tuyên Bắc Giang. Tháng 4 năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông đã cho định bản đồ trong cả nước 12 đạo thừa tuyên, đã thay đổi tên gọi của 6 địa phương, trong đó thừa tuyên Bắc Giang đổi thành Kinh Bắc. Thừa tuyên Kinh Bắc có 4 phủ, 19 huyện: Phủ Từ Sơn có 5 huyện: Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Võ Giàng và Quế Dương. Phủ Thuận An có 5 huyện: Gia Lâm, Siêu Loại, Văn Giang, Gia Định và Lang Tài. Phủ Bắc Hà có 3 huyện: Kim Hoa, Hiệp Hòa và Yên Việt. Phủ Lạng Giang có 6 huyện: Phượng Nhãn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế và Lục Ngạn. Năm Quang 1490, vua Lê Thánh Tông tổ chức lại đất nước thành 13 xứ, đạo thừa tuyên Kinh Bắc trở thành xứ Kinh Bắc.

Thời Nguyễn, năm Gia Long thứ nhất (1802) gọi là trấn Kinh Bắc. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi là trấn Bắc Ninh.

V.H