Lịch sử làng Hữu Chấp và ngôi đình làng
Nằm trong vùng đất lịch sử - văn hóa, Hữu Chấp được bao bọc bởi núi Quả Cảm và cửa sông Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu. Dãy núi Quả Cảm từ ngàn xưa là nơi cư trú của người Việt cổ và khi nhà Hán xâm lược đã để lại dấu ấn là những di chỉ cư trú, mộ táng có niên đại trên 2000 năm.
Trải qua lịch sử, đến thời Lê Sơ quê hương Hữu Chấp được biết đến với tên tuổi của tiến sĩ Đỗ Lệ Trạch (còn gọi là Đỗ Quang Tuyển), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3(1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Ông làm quan đến chức Đô cấp sự trung, là vị quan thanh liêm, chính trực và có nhiều công lao với dân với nước.
Trước cách mạng tháng Tám (1945), Hữu Chấp là một xã thuộc tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh . Sau Cách mạng tháng Tám (1945), cấp tổng và phủ bị giải thể, xã Hòa Long được thành lập trên cơ sở hợp nhất của các làng (xã) cổ sau: Quả Cảm, Xuân Ái, Xuân Viên, Xuân Đồng, Viêm Xá, Hữu Chấp, Đẩu Hàn. Từ năm 1946 đến năm 2007, xã Hòa Long thuộc huyện Yên Phong. Từ năm 2008 đến nay, xã Hòa Long thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Dẫu trải thăng trầm lịch sử, làng quê Hữu Chấp vẫn gìn giữ được những nét cổ kính và văn hiến, được thể thiện ở tên đất, tên làng, quần thể di tích đình, chùa cổ kính thâm nghiêm và những thuần phong mỹ tục.
Làng có quần thể di tích đình, chùa cổ kính thâm nghiêm : Đình ở giữa làng thờ Thành Hoàng làng là vị Thần bản mệnh che chở cho cộng đồng dân làng. Xưa cạnh đình còn có văn chỉ thờ các vị tiên hiền tiên triết của làng. Nghè ở phía Bắc giáp với sông Cầu là nơi Thần an vị hàng ngày. Mỗi khi đình đám hội hè, Thần được rước ở nghè về đình để tế lễ và mở hội. Chùa ở phía Tây làng tên chữ là “Đại Quang tự” là nơi dân làng thờ Phật cầu may sống hướng thiện. Và mỗi xóm đều có miếu thờ Thổ thần của xóm.
Những dòng họ sinh cơ lập nghiệp lâu đời ở Hữu Chấp có dòng họ: Đỗ, Nguyễn, Trần, sau có thêm các dòng họ khác. Các dòng họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông trồng lúa nước, có thêm nghề phụ như: nuôi tằm ươm tơ dệt lụa; nay có nghề thêu tranh nghệ thuật, mộc, nề… Dẫu bao biến cố lịch sử, nhưng các dòng họ sinh sống ở đây luôn đoàn kết với nhau để cùng chung xây quê hương mình ngày thêm giàu đẹp. Song bề dầy lịch sử và văn hiến của làng Hữu Chấp được kết tinh và phản ánh ở ngôi đình làng. Căn cứ vào thư tịch tài liệu và sắc phong của đình Hữu Chấp thì người được thờ ở đây là “Thánh Tam Giang”
Đình Hữu Chấp vốn được khởi dựng với quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Năm 1950, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, ngôi đình bị phá hủy một phần. Đến năm 1998, nhân dân địa phương cùng nhau công đức tiền của trùng tu lại ngôi đình theo dáng vẻ truyền thống. Đó là tòa đại đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, mái ngói đao cong, gồm : Tiền tế 3 gian 2 chái và Hậu cung 3 gian, với bốn mái đao cong .
Nghệ thuật bài trí đồ thờ tự của đình Hữu Chấp như sau: Tiền tế là nơi hành lễ được đặt một hương án lớn chạm “tứ linh, tứ quý” trên có bát hương, kiếm thờ, cây đèn, cây nến, lọ hương hoa. Hai bên là hai hàng siêu đao, bát bửu, tàn lọng. Hậu cung là nơi thờ phụng tôn nghiêm Thành Hoàng làng, có một án thờ lớn, trên là 5 ngai bài vị thờ chạm rồng mây, sơn son thếp vàng rực rỡ. Phía dưới là một hương án trên đặt bát hương, mâm thờ, cây đèn, cây nến, lọ hương hoa, đài rượu, đài nước... Cách bày đặt trên đã tạo cho đình Hữu Chấp có một không gian thờ cúng tôn nghiêm, linh thiêng.
Đình Hữu Chấp bảo lưu được nhiều tài liệu, cổ vật quý giá như: ngai thờ, thần phả, sắc phong, bia đá và nhiều đồ thờ tự. Đặc biệt là 20 đạo sắc phong của các triều vua phong cho Thánh Tam Giang. 1 bia đá to, tứ diện, có tên “ Thừa tự bi”, niên đại “ Chính Hoà thứ 20” (1699).
Giá trị của đình Hữu Chấp được thể thiện ở lễ hội truyền thống: Theo tục lệ, hàng năm cứ đến ngày mồng 4 tháng Giêng (âm lịch) đình Hữu Chấp lại được mở hội. Xưa để tổ chức lễ hội, ngay từ trong năm làng đã họp bàn bầu ra quan đám, phân việc cho các giáp. Quan đám và các giáp được nhận ruộng công để lo việc đình đám. Vào hội, ngay từ mồng 3, đình đã được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Ngày 4 chính hội, dân làng tổ chức rước Thần từ nghè về đình làng để tế lễ và mở hội. Vật tế Thần là xôi, gà, rượu, hoa quả, hương hoa. Tế lễ diễn ra trong hai ngày mồng 4 và mồng 5. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: Quan họ, đu cây, ném pháo, chọi gà… và nổi tiếng là trò chơi kéo co.
Ngày nay, d¬ưới sự lãnh đạo của Đảng, quê hương Hữu Chấp đổi mới từng ngày như:¬ Nhân dân no ấm, xây dựng nhà cửa kiên cố san sát, điện đ¬ường trư¬ờng trạm hoàn thiện . Trong những thành quả văn hoá vật chất và tinh thần của cộng đồng mà đ¬ược nhiều thế hệ ngư¬ời dân Hữu Chấp xây dựng và gìn giữ chính là quần thể di tích đình chùa cổ kính thâm nghiêm
Căn cứ vào Luật Di sản văn hoá, vào chính giá trị của di tích, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phư¬ơng, đình Hữu Chấp đã đ¬ược UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích lịch sử- văn hoá, quyết định số 934/ QĐ-UBND ngày 4/8/2011.
Ngày 3/9/2011 (tức 6 tháng 8 năm Tân Mão 2011), cán bộ và nhân dân làng Hữu Chấp long trọng tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cho đình làng, đã trở thành một ngày hội lớn của làng, thu hút toàn thể nhân dân Hữu Chấp công tác làm ăn xa gần mọi miền h¬ướng về cội nguồn quê hương, đoàn kết cộng đồng, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê và đất n¬ước ta ngày càng giàu đẹp văn minh.