Tiểu Than lưu giữ nghệ thuật hát Ả đào
Thôn Tiểu Than (xã Vạn Ninh) là nơi duy nhất của huyện Gia Bình và là một trong số ít làng của Bắc Ninh còn giữ nghệ thuật hát ca trù. Từ khi ca trù được cả thế giới tôn vinh và đưa vào danh sách Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp (năm 2009), dân làng Tiểu Than chung tay để khôi phục và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Một tiết mục của CLB tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Gia Bình.
Quê hương Tiểu Than từ xưa đã nổi tiếng là đất giáo phường của nghệ thuật hát Ả đào mà sử sách có ghi là nghề hát ca trù. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Thiết trong thôn, nghề hát Ả đào được dòng họ lưu truyền qua nhiều đời. Đặc biệt, năm 1879, cụ Nguyễn Thiết Vinh được Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh giao đi lai kinh chúc hỗ tại triều đình Huế, mừng thọ vua Tự Đức 50 tuổi. Cụ được phong chức Quản ca công để phục vụ đàn hát tại cung đình Huế. Hàng năm, giáo phường tổ chức hát thờ tại đình vào ngày mùng 3 tháng Giêng (Âm lịch), hay dịp lễ hội tháng 3. Ngày giã đám có diễn điển tích rồng rắn, đuổi hổ, múa chuốc rượu, múa cây bông và nhiều trò vui khác…
Ở Tiểu Than hiện nay vẫn còn những chứng tích về ca trù như: Ngôi nhà thờ thánh Ca trù được xây dựng năm 1934, phía trước có bức đại tự và câu đối trang trí hoa văn do dòng họ Nguyễn Thiết trông nom, bảo vệ. Ngoài ra còn có 2 cây đàn đáy cổ, 1 bia đá và 5 đạo sắc phong của các vương triều... Tuy nhiên, nghề hát ca trù ở Tiểu Than sau năm 1945 không phát triển nhưng một số người yêu thích loại hình nghệ thuật này vẫn sẵn sàng phục vụ dân làng mỗi dịp hội hè, đình đám.
Tháng 4-2008, Tiểu Than thành lập CLB Ca trù. Khi đó, tất cả những nghệ nhân ca trù của quê hương đã mất, không còn ai có khả năng truyền dạy. Số người biết hát, người có nhu cầu thưởng thức loại hình nghệ thuật này tưởng như đã hết. Từ những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, CLB đã biết ở xã Thanh Khương (Thuận Thành) vẫn còn những nghệ nhân ca trù từng đi dạy hát nhiều nơi. Ban Chủ nhiệm đã tìm cách liên hệ và mời cụ Nguyễn Trọng Lộ (nghệ nhân đàn đáy), ông Nguyễn Trọng Thỉnh (phụ trách trống chầu) và ca nương Nguyễn Thị Thanh Tân về dạy hát.
Ban đầu CLB chỉ với 22 thành viên ở nhiều lứa tuổi, đến nay đã có 32 thành viên tham gia, người nhỏ tuổi nhất là 14, cao nhất là 83 tuổi và quy định lấy ngày thứ bảy cuối tháng là ngày sinh hoạt. CLB đã mở lớp dạy hát tại đình, người đến học, người đến nghe rộn ràng, đông vui. Điều đáng mừng, hơn 10 học sinh của Tiểu Than- thế hệ kế cận rất thích tham gia sinh hoạt tại CLB đều tiếp thu rất nhanh và tỏ ra có năng khiếu đàn, hát. Giờ đây, các tay đàn, hát, trống chầu của Tiểu Than đã sẵn sàng đi công diễn tại liên hoan các cấp hoặc tham gia văn nghệ quần chúng tại quê nhà.
Hơn 2 năm thành lập, CLB vẫn hoạt động và thường xuyên luyện tập, giao lưu để nâng cao nghệ thuật. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên trong CLB đều trăn trở, đã tròn 2 năm sau khi UNESCO công nhận những giá trị đặc sắc của ca trù và đưa vào danh sách Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp thì dường như đất diễn của nghệ thuật này vẫn còn quá ít ỏi.
Ông Nguyễn Thiết Khởi, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: Để học hát ca trù rất công phu và cần nhiều thời gian chứ không thể ngày một ngày hai. Nghề hát ở đây không chỉ có từ lâu đời mà còn liên quan mật thiết đến các hình thức sinh hoạt văn hóa lễ hội, tín ngưỡng tâm linh của làng. Đối với CLB ca trù làng Tiểu Than, vẫn đang chập chững từng bước để khôi phục lại, CLB đã cố gắng chọn năm, bảy làn điệu hát thờ; năm, ba làn điệu hát hội, vài bài hát phú để dần dần cảm nhận được nét tinh tế của môn nghệ thuật này. Để tiếp sức cho các thế hệ truyền nghề, học nghề góp phần cho ca trù mãi được tôn vinh, rất cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành.
Nguồn:
BBN