Múa rối nước Đồng Ngư - Một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh

12/09/2012 03:08
Cách thủ phủ Luy Lâu trụ sở của nhà Hán thời Bắc thuộc ở nước ta khoảng 3km về phía đông có một làng cổ nổi tiếng ở xứ Kinh Bắc-làng Đồng Ngư. Cũng như những làng quê khác ở tỉnh Bắc Ninh, nhân dân làng Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành) lấy nghề nông làm trọng. Tuy nhiên, cái khác là trong lao động sản xuất họ đã sáng tạo ra một loại hình văn hóa dân gian độc đáo, tiêu biểu mà chỉ có ở Việt Nam mới có, đó là nghệ thuật trình diễn múa rối nước.
Hiện nay chưa có tài liệu nào ghi chép về thời gian ra đời của trò múa rối nước làng Đồng Ngư. Ở phòng truyền thống của phường rối nước làng Đồng Ngư còn lưu giữ một bức tượng phủ sơn màu nâu, cao 20cm làm bằng gỗ mít. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết đây chính là tượng Tổ trò của làng. Ông là người có công truyền dạy trò múa rối cho dân làng và được nhân dân tôn làm Thánh tổ tiên sinh. Ngày mất của ông là ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm và ngày này trở thành ngày Giỗ tổ trò của làng.
 
Trước hết, muốn biểu diễn được phải có con rối. Con rối làng Đồng Ngư thường làm bằng chất liệu gỗ xoan hay gỗ duối, gỗ sung. Những loại gỗ trên có đặc tính là nhẹ, dễ nổi trên mặt nước, thớ gỗ mịn và không có mấu. Công đoạn chế tác con rối thường dựa vào nhân vật và chủ đề của từng tiết mục mà người thợ tiến hành tạo con rối. Thông thường các nhân vật mang đậm chất dân gian, gần gũi với hồn quê như những em nhỏ, các cụ phụ lão, nam nữ thanh niên; những con vật như trâu, long, ly, quy, phượng…; cảnh làng quê yên bình với ruộng đồng, giếng nước, cây đa, mái đình. Sau khi được đục thô, người thợ tiến hành bôi một lớp đất sét lên con rối, dùng rơm đánh bóng, bôi một lớp keo da trâu mỏng, dùng giấy dó dán lên con rối, cuối cùng là phủ sơn ta mục đích để tạo dáng vẻ và bảo vệ con rối khi tiếp xúc với nước. Con rối được điều khiển bằng hai loại máy là máy sào và máy dây. Nhiệm vụ là để di chuyển quân rối và tạo hành động cho nhân vật.
 
Theo tục lệ xưa, trước khi biểu diễn phường rối phải làm lễ xin phép Tổ nghề và Thành hoàng làng. Nghi lễ trên diễn ra hết sức trang nghiêm do một thành viên có uy tín, cao tuổi của phường rối đảm nhiệm. Biểu diễn múa rối nước thường tổ chức tại ao làng. Khán giả xem ở ba mặt của ao, một mặt dành cho nhà rối (Thủy đình). Sân khấu là mặt nước của ao, nơi di chuyển của con rối. Trước kia, mở đầu buổi biểu diễn múa rối làng Đồng Ngư có hình tượng cụ già là một con rối đặt ở nóc nhà thủy đình đảm nhiệm vai trò dẫn truyện. Cách dẫn truyện này là điểm độc đáo nhất của phường rối nước làng Đồng Ngư mà các làng rối nước khác không có. Hiện nay, quá trình hội nhập giao lưu giữa các phường rối nước nên làng đã dùng hình ảnh chú Tễu làm nhân vật dạo đầu các buổi diễn.
 
Chủ đề múa rối nước làng Đồng Ngư gồm: Những sinh hoạt đời thường thể hiện qua những trò Chăn trâu, Cấy lúa, Đánh cá…; Chủ đề lễ hội với các tiết mục Đánh đu, Rước kiệu, Hát quan họ…; Những trích đoạn chuyện cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh đánh chăn tinh…
 
Hiện nay, một buổi diễn múa rối nước của các nghệ nhân làng Đồng Ngư gồm khoảng 15 tiết mục. Các tiết mục bao gồm: Tễu dạo đầu, lấy cau, mời trầu, hát quan họ, chăn trâu thổi sáo, cấy cày, múa rồng, chọi trâu, đánh cá úp nơm, câu ếch, cày bừa cấy hái, hát văn, rước kiệu, đánh đu.
 
Thời gian biểu diễn một tiết mục múa rối kéo dài khoảng 3 đến 5 phút. Các tích truyện thường ngắn, nhưng đa số khán giả xem vẫn hiểu nội dung. Khi xem rối nước, nội dung cốt truyện không được khán giả chú ý nhiều mà người xem tập trung vào kỹ thuật biểu diễn. Bằng sự tài tình, sáng tạo, khéo léo của người diễn viên mà các con rối chuyển động linh hoạt, sống động như thật. Trong quá trình biểu diễn, người biểu diễn đồng thời là người đọc lời thoại cho nhân vật. Ngoài ra, người nghệ nhân còn sử dụng các nhạc cụ như trống, tù và, mõ. Sau này, những nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn tranh, các làn điệu dân ca quan họ được đưa vào sử dụng để tạo không khí cho các buổi biểu diễn.
 
Trước năm 1945, phường múa rối nước làng Đồng Ngư chủ yếu biểu diễn phục vụ nhân dân trong làng vào những dịp nông nhàn, hội hè, đình đám và đi biểu diễn giao lưu với các phường rối bạn. Sau Cách mạng Tháng Tám, trò múa rối nước mai một dần. Năm 1986, được sự giúp đỡ của Viện Văn hóa, chính quyền địa phương, Phường rối nước Đồng Ngư được thành lập với sự tham gia của 40 nghệ nhân tâm huyết với nghề. Phường rối nước hàng năm tổ chức khoảng 40 buổi biểu diễn phục vụ khách trong nước và quốc tế, tham gia nhiều Liên hoan múa rối và đạt được giải cao như giải Nhất năm 2002 (tại Hà Nội); giải Nhì Liên hoan múa rối nước tại Liên hoan múa rối ở Huế năm 2004; Giải Nhì Liên hoan múa rối toàn quốc lần thứ nhất năm 2011 tại Hải Dương.
 
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn múa rối nước của làng Đồng Ngư, năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: BBN