Nâng cao chất lượng các dịch vụ công về đất đai trên địa bàn tỉnh
(BNP) - Chiều 23/4, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị đánh giá, bàn giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công về đất đai cho viên chức, người lao động trong hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bắc Ninh.
Toàn cảnh Hội nghị.
Theo báo cáo của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, hiện nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) của ngành Tài nguyên và Môi trường đã được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua đó đã tạo chuyển biến tích cực, giảm đầu mối tiếp nhận, trả kết quả, rút ngắn thời gian thực hiện và bước đầu đã tạo sự hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp.
Hàng năm, Văn phòng đăng ký đất đai các cấp đã tiếp nhận và giải quyết hơn 75.000 hồ sơ, chiếm từ 90-95% TTHC của ngành Tài nguyên và Môi trường (số lượng hồ sơ cơ bản được giải quyết đúng hạn theo quy định đạt trên 97%).
Tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc công bố Chỉ số khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công tại hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai năm 2020. Tỷ lệ người dân đánh giá mức độ hài lòng và rất hài lòng đạt 96,29%. Trong đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bắc Ninh dẫn đầu với 76 điểm; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lương Tài xếp cuối cùng với 70,87 điểm. Một bộ phận nhỏ người dân đánh giá mức độ chưa hài lòng liên quan đến việc người dân còn phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều đơn vị có liên quan để giải quyết TTHC; trang thiết bị, ứng dụng điện tử hóa chưa được sử dụng tối ưu…
Để tiếp tục hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công về đất đai, thời gian tới, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công tại hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh; duy trì hiệu quả đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh của người dân. Nâng cao hoạt động tiếp nhận, phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc của các hồ sơ tồn đọng tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
Bên cạnh đó, chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại với người dân, doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe, phối hợp giải quyết các vướng mắc trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC của người dân. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC; nghiên cứu và tiến hành thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 ở một số TTHC và liên thông các TTHC...