Nghề làm bánh cuốn Mão Điền, Thuận Thành
Xã Mão Điền, huyện Thuận Thành không chỉ nổi tiếng là vùng đất hiếu học mà nơi đây còn được biết đến với món bánh cuốn mang đậm hương vị quê hương. Sự kết hợp tinh tế của gạo, hành phi cùng nước chấm đậm đà khiến ai thưởng thức cũng khó có thể quên.
Bánh cuốn Mão Điền - món quà quê của người Kinh Bắc (Ảnh: Internet)
Từ lâu, bánh cuốn Mão Điền đã trở thành ẩm thực độc đáo, món quà quê không thể thiếu của người Kinh Bắc. Không ai trong xã nhớ được nghề làm bánh cuốn có từ bao giờ. Họ chỉ biết nghề này có từ rất lâu và món bánh cuốn là món quà quê không thể thiếu của người dân nơi đây. Vì thế, nghề làm bánh cuốn vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Trước đây, bánh cuốn Mão Điền được tráng bằng tay nên người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn như xây lò, đóng than, đan giàng, đóng khuôn, xay bột bằng cối đá và tráng bánh, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Ngày nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trườngnên nhiều hộ đã chuyển từ tráng bánh bằng tay sang tráng bằng máy, từ đó năng suất tăng cao, tiết kiệm thời gian, công sức cũng như và giảm được chi phí nhân công.
Để có những mẻ bánh ngon, đòi hỏi người làm bánh phải chọn gạo ngon, hạt dài, có màu trắng đục, lúc xay bột sẽ mịn và trắng, không bị vón cục. Ngoài yếu tố chọn nguyên liệu, việc giữ cho lửa than cháy đều trong suốt quá trình máy tráng bánh là yếu tố quyết định đến sự thành bại của cả mẻ bánh. Một gia vị để tạo nên hương vị của bánh cuốn đó là hành. Hành phi được đem đi xay nhỏ rồi quết lên mặt bánh, đây là công đoạn tạo nên hương vị, màu sắc riêng của bánh cuốn Mão Điền.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người dân Mão Điền đã làm hai loại bánh: bánh cuốn hành và bánh cuốn nhân mộc nhĩ. Bánh cuốn có vị thơm của gạo quyện với vị ngậy của hành, vị cay của nước chấm, khi thưởng thức, bánh cuốn được ăn kèm với giò, chả tạo nên hương vị riêng.
Với 1 kg gạo, người dân Mão Điền sẽ tráng được 2,5 kg bánh. Bánh cuốn được bán với giá từ 11.000 - 12.000 đồng/kg. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, mỗi hộ cung cấp khoảng 500 – 600 kg bánh ra thị trường các tỉnh thành như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội...Thu nhập mỗi hộ sau khi trừ chi phí cũng khoảng 15 triệu đồng/ tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động.
Để gìn giữ và phát triển nghề làm bánh cuốn. Hiện, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và truyền dạy nghề làm bánh cuốn cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, chính quyền xã đang phối hợp với ngành chức năngcó chính sách hỗ trợ người làm bánh, từng bước xây dựng thương hiệu và tạo điều kiện tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này.