Đình làng Bảo Tháp
(BNP) - Đình làng Bảo Tháp (thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình) được xây dựng từ lâu đời, đến khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, đình được chuyển về vị trí ngày nay với quy mô to lớn. Đình thờ Thành hoàng là Thái sư Lê Văn Thịnh và Doãn Công, một vị tướng tài ba có công lớn cùng với Hai Bà Trưng đánh tan giặc Tô Định, góp phần bảo vệ và xây dựng nhà nước trong những năm đầu Công nguyên.
Nghi môn đình Bảo Tháp.
Đình Bảo Tháp hiện nay nằm giữa làng gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Đại đình.
Toà Đại đình.
Nghi môn xây kiểu Tứ trụ, hai bên là cổng nhỏ có mái chồng diêm, trên đỉnh cột đắp trang trí trái dành cách điệu hình phượng chụm đuôi và nghê chầu, trên thân cột đắp câu đối.
Bờ nóc tòa Đại đình có đắp đôi rồng chầu mặt trời.
Đại đình kiến trúc hình chữ đinh gồm: Toà Đại bái 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, trên bờ nóc đắp rồng chầu mặt trời.
Cửa vào tòa Đại đình.
Bộ khung gỗ lim, kết cấu vì nóc kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn mê”.
Bàn thờ chính tòa Đại đình.
Hậu cung 3 gian, cấu trúc các bộ vì theo kiểu “kẻ truyền giá chiêng”. Nghệ thuật trang trí chạm khắc tập trung tại các bức cốn, đầu dư, con rường, bẩy hiên...
Hoành phi trong tòa Đại đình.
Với các đề tài tứ linh, tứ quý mang dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn đã thể hiện bàn tay tài khéo của người thợ làm đình xưa.
Ngai thờ.
Bát hương cổ.
Sắc phong.
Hiện đình còn lưu giữ được nhiều di vật cổ như: Sắc phong, ngai thờ, bài vị, sập thờ, đài, ống hương, mâm bồng, bát hương, hệ thống bia “Hậu thần bi ký” khắc vào các năm 1785, 1813, 1849, 1893, 1916, 1926…
Giá văn.
Bài vị.
Ngựa gỗ.
Hội đình Bảo Tháp thuộc hội “Thập đình” được mở vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch vào các năm Thân, Tý, Thìn, đây là hội chung của 10 đình thờ thái sư Lê Văn Thịnh.
Đình làng Bảo Tháp đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 237/QĐ-CT ngày 20/2/2004.