Phát hiện cổ vật bằng đá từ năm 601 tại Thuận Thành, Bắc Ninh
Ðầu tháng 8 vừa qua, tổ công tác thuộc Phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện và sưu tầm được tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) những cổ vật bằng đá độc đáo.
Các cổ vật trên do ông Nguyễn Văn Ðức, thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành đào được trong lúc lấy đất làm gạch ở khu đồng sau chùa làng Xuân Quan.
Các di vật bằng đá nằm ở độ sâu hơn 2m, là bia mộ tháp, gồm hai phần có hình gần vuông, kích cỡ (45 cm x 46 cm) úp khít vào nhau. Phần dưới (thân bia) dày 9 cm được cắt khá nhẵn chung quanh, một mặt khắc chữ Hán còn rất rõ nét. Ở mặt trong cả hai nắp bia khi cạy ra đều sạch bóng, không có chất gì khác bám vào mặt, kể cả nước. Bên cạnh bia mộ tháp nêu trên, tại vị trí phát hiện các di vật còn có một liễn (đỉnh) đá. Hiện vật này trên có nắp đậy cũng bằng đá, loại đá gần giống như bia đá, kích cỡ 45 cm x 46 cm, lòng sâu 20 cm, cỡ 26 cm x 27,5 cm, nắp đậy có kích cỡ 45 cm x 46 cm x 8 cm. Ở bên trong có một ít tạp chất mầu thâm đen mà theo các chuyên gia thì nhiều khả năng là tro cốt của bậc cao tăng. Cả hai di vật trên đều đặt trên một tấm đá hình chữ nhật dài 25 cm, kích cỡ 65 cm x 100 cm. Bia mộ tháp, trên tấm bia có tất cả 133 chữ, chia thành 13 dòng. Phần còn lại là nắp đậy, dày khoảng 4 cm úp lên trên phiến đá có chữ, mặt dưới tạo gờ nổi chung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ phía dưới, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ (trong ảnh). Cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh cho biết, dòng đầu khắc bốn chữ "Xá lợi minh tháp", dòng thứ hai ghi khắc thời gian ra đời năm 601 và một số nội dung liên quan việc dựng tháp đặt xá lợi.
Ngày 30-8-2012, Bảo tàng Bắc Ninh đã đưa hai hiện vật đá nêu trên về bảo tàng lưu giữ. Nhiều nhà nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài đều đánh giá cao về giá trị lịch sử của tấm bia đá và cho rằng đây là tấm bia đá có niên đại ra đời cổ nhất Việt Nam mới được phát hiện từ trước đến nay. Những di sản văn hóa này góp phần minh chứng về vùng đất cổ Luy Lâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) còn nhiều giá trị tiềm ẩn cần được tiếp tục khai thác, nghiên cứu làm sáng tỏ thêm.
Nguồn:
BBN