Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ rút ngắn thời gian thi trong 02 ngày với 4 buổi thi; đề thi giảm bớt áp lực cho học sinh; thí sinh THPT sẽ thi 03 bài thi bắt buộc và 01 bài thi tự chọn. Các trường Đại học, Cao đẳng chủ động hơn trong phương án tuyển sinh.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Bộ GD&ĐT phân cấp cho các địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường.
Kỳ thi gồm 03 bài thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 02 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH). Trong đó: Bài thi tổ hợp KHTN gồm 03 môn thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; bài thi tổ hợp KHXH gồm 03 môn thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh THPT); gồm 02 môn thành phần Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh là học viên GDTX); mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.
Thí sinh là học sinh THPT phải thi 03 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 bài thi tự chọn trong 02 bài tổ hợp. Thí sinh là học viên GDTX phải thi 02 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 01 bài thi tự chọn trong số 02 bài thi tổ hợp; thí sinh GDTX có thể dự thi thêm bài thi môn Ngoại ngữ.
Đối với, thí sinh tự do tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản đã được Bộ GD&ĐT công bố. Đề thi dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học viên GDTX được Bộ GD&ĐT xây dựng, cung cấp cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Kết quả Kỳ thi được các Sở GD&ĐT dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được cụ thể hóa trong Quy chế thi. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng Trường THPT hoặc Giám đốc Trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định.
Đối với công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sẽ được các cơ sở giáo dục Đại học triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định, với các phương thức tuyển sinh khác nhau như: Sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra… hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp. Các trường có mức độ cạnh tranh cao có thể tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ GD&ĐT để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh.