Quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả
(BNP) – Sáng 11/8, Chính phủ tổ chức phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 – 2026 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương trong cả nước dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Dự tại điểm cầu Bắc Ninh có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ khóa XV nhận nhiệm vụ trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, do đó, có tính chất quan trọng, nhằm thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất trong thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; quyết tâm xây dựng Chính phủ khóa XV đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trên tinh thần thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ xác định 23 chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 1-1,5%/năm…
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Chính phủ đưa ra 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trọng tâm là kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế…
Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đồng tình cao với báo cáo nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Đồng thời, tham gia các ý kiến, kiến nghị nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thời gian qua, mặc dù chịu nhiều khó khăn thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, song nhờ có đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được, nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong đó, tập trung xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh, bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; từng bước xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.