Rộn ràng làng nghề An Quang

08/04/2021 11:54

Đó là âm thanh của tiếng trống được phát ra từ làng nghề An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình. Nơi đây, có nghề làm trống gia truyền từ hàng trăm năm nay. Trống An Quang nổi danh khắp nơi bởi âm thanh giòn, vang, rền từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết khi làm trống (Ảnh nguồn Internet)

Vào những dịp cuối năm là thời điểm cả làng đang vào vụ sản xuất trống. Sân nhà nào cũng phơi đầy những mảnh gỗ, những tấm da trâu mới thuộc. Tiếng cưa, đục, thử trống… rộn rã khắp trong nhà ngoài ngõ vui như ngày hội. Được biết nghề làm trống đã có ở làng An Quang từ hơn 300 năm nay. Tương truyền, xa xưa một người gốc làng Đọi Tam (tỉnh Hà Nam) đến đây định cư thấy trong vùng chỉ có nghề nông nghiệp, lại thấy nguồn nguyên liệu dồi dào đã dạy cho dân làng cách làm trống. Về sau nghề được truyền đi khắp cả làng. Có những gia đình đến nay đã duy trì được 4, 5 thế hệ làm trống.

Để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ nhưng 3 công đoạn quan trọng nhất vẫn là: thuộc da, làm tang và bưng trống.Tang trống, không phải tìm kiếm nguyên liệu đâu xa. Dọc dãy núi Thiên Thai trồng nhiều mít, cho gỗ mềm, dễ tạo tác và nhất là không bị cong vênh, nứt vỡ khi thời tiết thay đổi. Gỗ mít cưa về được cắt làm nhiều khúc, sau đó xẻ thành từng dăm nhỏ tùy theo kích thước của loại trống định làm. Làm ra những chiếc dăm đều nhau, người lành nghề chỉ dùng chiếc cưa tay thủ công. Hai người phải dùng sức kéo đều tay lượn lưỡi cưa qua miếng gỗ theo một độ cong nhất định. Mỗi ngày làm việc hết sức được khoảng bốn chục chiếc dăm như vậy. Những chiếc dăm trống được khép khít vào nhau và bào nhẵn đến mức mắt thường khó nhìn thấy vết ghép.

Khi đã hoàn chỉnh xong phần tang trống, người ta mới bắt tay vào bưng trống.Bưng trống không chỉ đơn giản là căng da trên mặt rồi dùng đinh vâu hoặc tre đóng cố định vào thân mà còn đòi hỏi người làm phải thẩm định được tiếng trống ăn vào âm vực cao hay thấp. Công việc này chỉ những người có kinh nghiệm lâu năm mới làm được.Loại da sử dụng để bưng trống phải được lựa chọn từ những miếng da trâu tốt nhất, cạo lớp phôi cho mỏng, đem căng đều các góc rồi phơi khô trong ba ngày. Trước khi sử dụng, nghệ nhân cho da trâu “ngậm” nước hết cỡ, rồi nạo miếng da trâu cho đủ độ mỏng bằng lưỡi dao ngọt sắc được rèn từ làng nghề Đa Sĩ.Đây được coi là công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng của một chiếc trống thành phẩm.

Mỗi loại trống làm ra đều có những quy chuẩn nhất định nhưng phải đảm bảo được độ rền, độ vang. Thời gian để hoàn thành một chiếc trống phụ thuộc vào kích cỡ của từng loại. Thông thường, những chiếc có kích cỡ trung bình (đường kính mặt trống từ 20-50cm) sẽ mất từ 2 - 4 ngày, loại to thì mất nhiều thời gian hơn.

Trống An Quang sau khi hoàn thành được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh và mang sang cả các tỉnh bạn như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn.... Chiếc nhỏ nhất hiện có giá từ 300 - 500 nghìn đồng, chiếc to hơn có giá khoảng 10 triệu đồng, thậm chí có những chiếc lên đến cả trăm triệu. Theo một số hộ làm trống ở đây, nếu có đơn đặt hàng thường xuyên thì trừ chi phí, thu nhập mỗi tháng khoảng chục triệu đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, xây được nhà khang trang, có của ăn của để.

Nghề làm trống truyền thống làngAn Quang có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế đặc biệt trong đời sống người dân nơi đây. Chính vì vậy, chính quyền luôn chủ động hỗ trợ các gói vay ưu đãi, giúp các hộ có nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển làng nghề./.