Thành cổ Bắc Ninh
(BNP) - Thành cổ Bắc Ninh, công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805, thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên địa phận các làng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng (nay thuộc phường Ninh Xá), làng Hòa Ðình, huyện Tiên Du (nay thuộc phường Võ Cường) và làng Yên Xá, huyện Yên Phong (nay thuộc phường Vệ An), các địa danh trên nay đều thuộc thành phố Bắc Ninh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Đây là ngôi thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác và là một trong bốn tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ thời bấy giờ. Thành có diện tích 545.000 m2, tường cao 9 thước đắp bằng đất đá, sau thay bằng gạch đá, xung quanh có hào nước sâu bao bọc. Thành có 4 cổng, mỗi cổng đều có cầu đi qua hào, bên trong thành có sắp xếp các bộ phận gồm Doanh trấn thủ, Ðài bác vọng, Kho thuốc súng, Nhà công đồng.
Theo lịch sử, thời nhà Nguyễn, Thành cổ Bắc Ninh là trung tâm bộ máy cai quản hành chính hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên. Thời thuộc Pháp, xác định rõ vị trí tầm quan trọng của tòa Thành này, ngày 16/5/1925, toàn quyền Đông Dương đã ký quyết định xếp hạng di tích thành Bắc Ninh là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Tháng 8/1945, sau khi bị Nhật xâm chiếm, nhân dân Bắc Ninh đã bao vây quân Nhật trong thành, tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, ép Nhật phải trả lại thành.
Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, Thành cổ Bắc Ninh từng là một vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, nằm trong tuyến phòng thủ phía Bắc, bảo vệ Thủ đô, ngăn chặn các đạo quân xâm lược trước cửa ngõ Kinh thành Thăng Long. Đây cũng là một trung tâm chính trị, quân sự, là lỵ sở của trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh).
Thành cổ Bắc Ninh cũng là nơi ghi dấu những sự kiện gắn với quá trình phát triển của tỉnh và phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Ninh do Đảng ta lãnh đạo.
Năm 1980, Thành cổ được UBND tỉnh Hà Bắc xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và giao cho UBND thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh) đảm nhận. Đến năm 2005, HĐND thành phố Bắc Ninh đã có Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử thành cổ Bắc Ninh.
Tuy nhiên cho đến nay, ngôi Thành này chưa hề được tu bổ, tôn tạo; đặc biệt là sự xâm lấn của con người đã làm cho di tích ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Dấu tích còn lại của Thành cổ Bắc Ninh là ba cổng thành, một phần bờ thành và dãy hào sâu, 2 khẩu súng thần công, trong đó nổi bật là cổng tiền với đài gác vọng, cột cờ cao gần 20 mét.
Những giá trị và hiện trạng của thành cổ Bắc Ninh nói riêng và những di sản văn hóa khác đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát huy nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bảo tồn, tôn tạo thành cổ Bắc Ninh chính là việc làm thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đưa Bắc Ninh trở thành đô thị văn minh, hiện đại và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững...