Thành phố Huế cần có một chương trình, đề án mang tính tổng thể và toàn diện, để vừa gìn giữ di sản, vừa phát triển kinh tế
(BNP) - Sáng 31/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Sau đó, thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu thảo luận tại Tổ 13.
Bày tỏ nhất trí cao với việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk) cho rằng, việc thành lập có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này là bước thể chế hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành nội dung thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cơ bản đồng tình về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và nhất trí với Chính phủ đề xuất là thành phố trực thuộc Trung ương tên là Huế. Thành phố Huế đã nhiều năm phát triển theo hướng đô thị về di sản và du lịch, là một trong những nơi mà các đoàn quốc tế của Việt Nam đều muốn đến thăm. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo một điểm kích để cho Huế tiếp tục phát triển và nâng cao các tiêu chí, chỉ số.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị sau khi được Quốc hội xem xét thông qua, thành phố Huế cần phải quan tâm đến các vấn đề khoa học công nghệ, chuyển đổi số, để tạo sức bật cho sự phát triển. Đồng thời, quan tâm đến việc giải quyết các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng giúp cho hoạt động trong cơ quan nhà nước thông suốt, hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh.
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là phương án phù hợp nhất để tạo lực đẩy cho Huế phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là trong việc chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế.
Tuy nhiên xét về thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách địa phương còn chưa thực sự tương xứng với tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng khi được Quốc hội biểu quyết thông qua sẽ tạo động lực để cho Huế phát triển. Cụ thể như, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp, dịch vụ, phát huy giá trị di sản để phát triển ngành công nghiệp du lịch, dịch vụ… Từ đó tạo chuyển biến trong cơ cấu lao động, mục đích sử dụng đất, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sẽ giúp cho Huế bứt phá, thoát khỏi ngưỡng thu nhập bình quân đầu người, tăng thu ngân sách tạo nguồn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân.
Vấn đề này đòi hỏi phải có một chương trình, đề án mang tính tổng thể và toàn diện, để vừa đảm bảo giữ gìn được di sản nhưng vẫn phát triển được kinh tế. Do vậy cần chuẩn bị tốt các điều kiện từ công tác quy hoạch, đến từng chương trình phát triển kinh tế cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương. Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, đi cùng với các chính sách đặc thù tạo điều kiện cho Huế, mong rằng lãnh đạo của thành phố Huế sớm có giải pháp đột phá, tận dụng các cơ hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh, có bước phát triển mới xứng đáng là thành phố trực thuộc Trung ương.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.