Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh năm 2022
Năm 2022, kinh tế của tỉnh chịu tác động từ kinh tế thế giới gia tăng khả năng suy thoái; lạm phát tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina…; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư, thu ngân sách,… gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh thực hiện nghiêm túc và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Quốc hội, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025,…
Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được những kết quả khá tích cực, cụ thể một số kết quả nổi bật như sau: Kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 (giá SS năm 2010) ước 142.289,2 tỷ đồng, tăng 7,39% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người 65,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ lệ 76,5%; dịch vụ chiếm 17,2%; thuế sản phẩm chiếm 3,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,5%.
Về thu ngân sách nhà nước ước đạt 30.372 tỷ đồng, đạt 99,4% dự toán, trong đó thu nội địa 22.772 tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 7.600 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước 20.163 tỷ đồng, tăng 10,7% so với dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước 91,7 tỷ USD, đạt 99,6% kế hoạch, tăng 10,2% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu hàng hóa ước 48,4 tỷ USD, tăng 7,9%, nhập khẩu ước 43,3 tỷ USD, tăng 13%.
Về giáo dục và đào tạo, Bắc Ninh là tỉnh đứng thứ Nhất cả nước về số giải Nhất và tỷ lệ đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2022, lần đầu tiên có học sinh tham dự và đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý Quốc tế, 1 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý Châu Âu. Về đào tạo lao động, giải quyết việc làm ngày được quan tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động.
Toàn tỉnh đã tuyển sinh học nghề cho 60.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hoàn thành 100% việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động,… Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,05%, vượt kế hoạch và giảm 0,1% so với năm 2021.
Thu hút đầu tư nước ngoài: Cấp mới 124 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 318,8 triệu USD (tăng 7,8% về số dự án và giảm 44,3% về vốn). Thu hút đầu tư trong nước: Cấp mới đăng ký đầu tư 49 dự án với tổng số vốn đầu tư 16.211 tỷ đồng, (giảm 7,5% về số lượng dự án và giảm 15,2% về quy mô vốn so với cùng kỳ); thành lập mới 2.443 doanh nghiệp (tăng 15%) với số vốn đăng ký 20.036 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ).
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả các chỉ số năng lực điều hành của chính quyền các cấp. Trong đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đứng thứ 7/63 (tăng 1 bậc); Chỉ số PAR Index đứng thứ nhất cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đạt 69,45 điểm, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc.
Năm 2023, với chủ đề “Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; Nâng cao đạo đức công vụ; Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
Một số chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,5% - 7% so với ƯTH năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người 69,5 triệu đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 93.262 triệu USD; trong đó xuất khẩu 50.870 triệu USD, nhập khẩu 42.392 triệu USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 60 nghìn tỷ đồng. Thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp 1,2 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 31.360 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 23.820 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.810 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 78%. Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 1%.