Tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019
Theo báo cáo của Cục thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019 như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm (giá so sánh 2010) ước đạt 74.968 tỷ đồng, giảm 4,29% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 8,1%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 6,07% (riêng ngành công nghiệp giảm 6,62%); khu vực dịch vụ tăng 5,85% và thuế sản phẩm giảm 0,27%. Đây là lần đầu tiên kinh tế của tỉnh tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm kể từ khi dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010.
2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
2.1. Tài chính: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng ước đạt 15.210 tỷ đồng, đạt 55,5% dự toán năm, tăng 5,5% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 12.139,1 tỷ đồng, đạt 57,4% dự toán năm, tăng 4%. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng ước thực hiện là 8.737,8 tỷ đồng, đạt 49,3% dự toán và tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 4.892 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán và tăng 18,3%; chi thường xuyên là 3.733 tỷ đồng, đạt 38,5% dự toán và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
2.2. Ngân hàng - Tín dụng
Lãi suất huy động bằng VND của một số ngân hàng đã được điều chỉnh tăng từ 0,1- 0,2% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất 6 tháng phổ biến ở mức từ 0,5-1%/năm đối với có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5-5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 5,4-6,6%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng và từ 6,8-7,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 6 ước đạt 103,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng thời điểm năm trước và tăng 3,5% so thời điểm cuối năm 2018. Cùng với việc huy động vốn, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 82,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng thời điểm năm trước và tăng 2,3% so với thời điểm cuối năm 2018. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt vận hành được 300 máy ATM và thực hiện trả lương cho 2.772 đơn vị với 772 nghìn tài khoản cá nhân; lắp 1.521 máy POS và đã giao dịch 452 nghìn món với doanh số đạt 1.082 tỷ đồng.
2.3. Bảo hiểm
Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã có 1.233,6 nghìn người tham gia đóng BH các loại, tăng 1,7% (+21 nghìn người) so cùng thời điểm năm trước, chiếm 95,5% dân số toàn tỉnh (+0,5% về tỷ trọng so cùng kỳ năm trước). Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 3.304,4 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ; trong đó thu từ BHYT là 887 tỷ đồng, tăng 10,3%; thu BHXH bắt buộc là 3.115 tỷ đồng, tăng 16,7%. Tính chung 6 tháng, toàn tỉnh đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số tiền 1.796,4 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó sử dụng từ quỹ BHXH là 1.445 tỷ đồng, tăng 10,2%.
3. Tình hình giá cả và lạm phát
a) Chỉ số giá tiêu dùng: Tháng 6, CPI giảm 0,23% so tháng trước và chỉ tăng 0,01% so tháng 12 năm trước. CPI bình quân 6 tháng tăng 3,18% so cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2015[1]; trong đó quý I tăng 3,8% và quý II tăng 2,56%. Nguyên nhân tác động và làm CPI 6 tháng đầu năm nay tăng cao hơn, là do: (i) Những tháng đầu năm, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và sức mua trên thị trường trong dịp Tết, lễ hội trên địa bàn tỉnh tăng cao; (ii) Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhiều thuận lợi và giá xuất khẩu cũng cao hơn, nên giá lương thực trong nước luôn giữ ở mức cao; (iii) Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng trong 4/8 lần.
b) Chỉ số vàng và Đôla Mỹ: Bình quân trong tháng, giá vàng bán ra ở mức 3.696.000đ/chỉ, tăng 2,18% so tháng trước (+79.000đ), tăng 2,9% so cùng tháng năm trước và tăng 5,61% so với tháng 12/2018. Bình quân tháng 6, đồng đô-la bán ra ở mức 23.434đ/USD, tăng 0,3% (+70 USD) so tháng trước, tăng 2,57% so cùng tháng năm 2018 và tăng 0,32% so với tháng 12/2018. Tính chung 6 tháng, giá vàng tăng 0,85% và giá đôla tăng 2,24% so cùng kỳ.
4. Đầu tư và xây dựng
4.1. Vốn đầu tư: Tính chung, 6 tháng đầu năm 2019 tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 33.061,5 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước đạt 2.251,3 tỷ đồng, tăng 44,5%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 12.619 tỷ đồng, tăng 9,4%; vốn đầu của khu vực FDI chỉ đạt 17.745,1 tỷ đồng, giảm tới 23,6%.
4.2. Hoạt động cấp phép vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tính đến ngày 15/6, toàn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cấp mới 99 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 606,8 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tăng 3,1% về số dự án và gấp 2,9 lần về số vốn đăng ký; cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh vốn cho 66 dự án với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 386,3 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 32 lượt với giá trị là 20,6 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.387 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 18.129 triệu USD.
5. Thành lập mới DN và tình hình hoạt động của DN
Trong 6 tháng, toàn tỉnh thành lập mới 1.086 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là: 12.040,3 tỷ đồng và 284 đơn vị trực thuộc. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 15.256 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký là 224.666 tỷ đồng và 2.905 đơn vị trực thuộc.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
6.1. Nông nghiệp
a) Về trồng trọt: Kết thúc vụ Đông Xuân 2018, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 43.636,7 ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2018 (-1.046 ha). Trong đó, lúa xuân đạt 32.978,3 ha, giảm 1,7% (-718,8 ha); ngô đạt 1.352,3 ha, giảm 24,5% (-440 ha); cây lấy củ có chất bột 2.675,5 ha, tăng 0,4% (+9,4 ha) , riêng cây khoai tây 2.497 ha, tăng 2,1% (-51,1 ha); cây có hạt chứa dầu 436,5 ha, giảm 7,5% (-35,5 ha); cây rau, đậu, hoa 5.801,7 ha, tăng 1,3% (-71,7 ha), trong đó rau các loại 5.660,3 ha, tăng 0,8% (+45 ha).
Vụ đông xuân: Kết quả sơ bộ, ước tính năng suất lúa xuân năm nay đạt 64,3 tạ/ha, 2,8% (-1,8 tạ/ha) so cùng vụ năm trước, sản lượng ước đạt 212.636 tấn, giảm 4,5% (-10.097 tấn); cây ngô, năng suất 52,5 tạ/ha, tăng 3,8% (+1,9 tạ/ha), sản lượng đạt 7.105,7 tấn, giảm 1.971 tấn; khoai tây, năng suất đạt 152,7 tạ/ha, tăng 0,8% (+1,2 tạ/ha), sản lượng đạt 38.124,2 tấn, tăng 1.075 tấn; đậu tương, năng suất đạt 20,9 tạ/ha, tăng 1,2% (+0,2 tạ/ha), sản lượng đạt 188,9 tấn, tăng 2,3% (+4,2 tấn); cây rau các loại, năng suất ước đạt 284,7 tạ/ha, tăng 1,3% (+3,6 tạ/ha), sản lượng đạt 160.873 tấn, tăng 1,9% (+3.024 tấn).
Sản xuất vụ mùa: Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ gieo cấy 32.500 ha lúa và 2.700 ha cây rau màu. Đến ngày 20/6, các địa phương đã làm đất được 16.250 ha, bằng 50% KH diện tích gieo cấy; các đơn vị đã cung ứng được 201,3 tấn thóc giống các loại và đã gieo được 1.145 ha, tăng 13% so cùng thời điểm năm trước.
b) Chăn nuôi
Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 2.397 con trâu, tăng 0,5% so cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 28.670 con, giảm 5,6% (-1.711 con); đàn lợn có 242.585 con, giảm 38,3% (- 150,7 nghìn con); đàn gia cầm có 5.068,4 nghìn con, tăng 1,6% (+ 78,3 nghìn con). Tổng sản lượng thịt hơi gia súc gia cầm xuất chuồng trong 6 tháng ước đạt 42.969 tấn, giảm 18,7% so cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh và công tác thú y: Trong 6 tháng đầu năm, một số dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm đã phát sinh trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại đáng kể cho chăn nuôi. Cụ thể, từ ngày 01/01 đến ngày 12/03/2019 dịch LMLM đã xảy ra trên đàn lợn tại 353 hộ, 95 thôn, khu phố thuộc 44 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố: Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh, làm 3.711 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 219,3 tấn. Từ ngày 13/3 đến ngày 13/6/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện và xảy ra tại 12.056 hộ, 656 thôn, khu phố thuộc 124 xã, phường, thị trấn của 8/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, làm 124.781 con lợn mắc bệnh, chết (13.384 lợn nái, 175 lợn đực, 92.247 lợn thịt, 18.975 lợn sữa) buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng 8.729,6 tấn.
6.2. Lâm nghiệp: Trong 6 tháng, toàn tỉnh trồng được 114,6 nghìn cây phân tán, giảm 32,6% so cùng kỳ năm trước; khai thác 2.010 m3 gỗ và 2.500 Stere củi các loại; chăm sóc được 40,3 ha rừng; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 395,6 ha.
6.3. Thuỷ sản: TTính chung 6 tháng, sản lượng thu hoạch thủy sản nuôi trồng ước đạt 18.180 tấn, tăng 1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng cá nuôi nước ngọt ước đạt 17.979,7 tấn, tăng 1% (+171,7 tấn); sản lượng tôm ước đạt 67,8 tấn, giảm 1,7% (-1,2 tấn); sản lượng khai thác đạt 606 tấn, giảm 2,4%.
7. Sản xuất công nghiệp
7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 tuy đã tăng 0,9% so tháng trước, nhưng vẫn giảm 2,5% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,8% và giảm 2,6%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí tăng 20,3% và tăng 12,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,5% và giảm 7,2%. Qua IIP của 6 tháng cho thấy, sản xuất công nghiệp trong quý I giảm sâu hơn (-11,7%) so với mức giảm của quý II (-7,8%), chủ yếu do có 4 ngành chiếm tỷ trọng lớn sụt giảm sâu.
7.2. Sản phẩm công nghiệp
Trong 6 tháng, những các sản phẩm được xuất khẩu và mức tiêu dùng ở trong nước gia tăng đều có lượng sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước, như: đồng hồ thông minh (gấp 8 lần); quần áo (+33%); pin điện thoại (+25,5%); điện thoại thông minh (+23,3%, chủ yếu tăng ở nhóm điện thoại có giá <3 triệu đồng); tủ bằng gỗ (+17,7%); thuốc lá đầu lọc (+8,3%); điện thương phẩm (+7,6%); sữa và kem (+4,1%);… Tuy nhiên, có cũng không ít sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhưng giá rẻ hơn, nên lượng sản xuất giảm hoặc tăng thấp là: vải, ruột phích; bê tông tươi; sắt thép; máy in; điện thoại di động (có giá từ 3-<6 triệu và từ 10-<15 triệu đồng); màn hình điện thoại, tivi; linh kiện điện tử; bình đun nước nóng; bàn và salong bằng gỗ... Điều này cho thấy, kể cả các sản phẩm được sản xuất với công nghệ hiện đại nhưng không phù hợp với xu hướng tiêu dùng của dân cư thì sẽ rất khó cạnh tranh và tiêu thụ.
7.3. Chỉ số sử dụng lao động: Tháng 6, chỉ số sử dụng lao động chỉ tăng nhẹ (+0,6%) so với tháng trước và giảm 11,3% so cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực Nhà nước tăng 1,2% và tăng 2,6%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,4% và tăng 1,6%; khu vực FDI tăng 0,7% và giảm 13,8%. Phân theo ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,6% và giảm 11,6%; ngành SX và phân phối điện đạt xấp xỉ tháng trước và tăng 10,3%; ngành cung cấp nước và xử lý nước, rác thải tăng 0,2% và tăng 4,9%.
8. Thương mại và dịch vụ
8.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ
Doanh thu bán lẻ hàng hoá 6 tháng đầu năm ước đạt 22.099,5 tỷ đồng, tăng 14,5%. Trong đó, kinh tế tập thể đạt 254,1 tỷ đồng, tăng 13,5%; kinh tế cá thể đạt 14.046,2 tỷ đồng, tăng 14,3% và kinh tế tư nhân đạt 7.799,2 tỷ đồng, tăng 14,9%. Phân theo nhóm hàng, 12/12 nhóm hàng đều có chỉ số tăng từ 8,5-14,9% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh thu một số ngành dịch vụ lại tăng thấp, thậm trí còn giảm so cùng kỳ năm trước do lượng và mức tiêu dùng giảm hơn, như: lưu trú (+5,7%), ăn uống (+9,9), dịch vụ tiêu dùng khác (+3,7%, chủ yếu do ngành bất động sản giảm 7,9%).
8.2. Hoạt động ngoại thương
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn 6 tháng ước đạt 14.462,5 triệu USD, giảm 10,9% so cùng kỳ năm 2018. Về nhập khẩu, Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đến hết tháng 6 ước đạt 11.924 triệu USD, tăng 2,4% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh nghiệp FDI đạt 11.761 triệu USD và tăng 2,8%; nhóm hàng linh kiện điện tử, điện thoại đạt 8.301,8 triệu USD, giảm 0,7%.
9. Vận tải và du lịch
9.1 Hoạt động vận tải:
Vận tải hành khách: Khối lượng vận chuyển 6 tháng đầu năm ước đạt 18.205,5 nghìn HK, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2018; luân chuyển đạt 849,9 triệu HK.km, tăng 10,2%. Từ số liệu vận tải 6 tháng cho thấy, sản lượng vận tải quý II có tốc độ tăng cao hơn (+10,83% về vận chuyển và +10,75% về luân chuyển) so với quý I (+9,73% và +9,61%), do nhu cầu đi lại của dân cư và người lao động lớn hơn. Vận chuyển hàng hoá, khối lượng vận chuyển 6 tháng đầu năm ước đạt 20.109,5 nghìn tấn, tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 981,8 triệu tấn.km, tăng 9,9%. Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 3.869,2 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 1.035,3 tỷ đồng, tăng 12%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.543,8 tỷ đồng, tăng 10%. Riêng doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải đạt 1.290,2 tỷ đồng, chiếm 33,3% và tăng 7,2% so cùng kỳ.
9.2. Du lịch: Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách ước đạt 980 nghìn lượt khách, tăng 18% so cùng kỳ; trong đó có 87 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 24,3%. Tổng doanh thu du lịch (bao gồm cả doanh thu lưu trú và phục vụ ăn uống) ước đạt 667 tỷ đồng, tăng 10,1%.
10. Các lĩnh vực xã hội
10.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội
Tính chung, tiền lương trung bình 6 tháng đầu năm 2019 của khối DN đạt 10.640 nghìn đồng/người/tháng, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2018. Đối với CBCC, viên chức, cùng với việc tăng lương cơ bản, các đơn vị hưởng lương từ NSNN đều chi thu nhập tăng thêm từ 1-2 tháng lương, thu nhập của CBCC, viên chức tăng trên 8% và lạm phát ở mức thấp, nên đời sống được cải thiện hơn. Đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả lương qua hệ thống bưu điện, kịp thời, an toàn, đúng đối tượng, nên đời sống ổn định. Ở khu vực nông thôn, tuy sản xuất chăn nuôi sụt giảm, nhưng nhờ sản xuất vụ xuân đông mở rộng quy mô diện tích cây trồng chất lượng cao, công nghệ sạch,.. nên giá nông sản đầu ra giữ ở mức cao, nông dân có lãi khá.
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, quan tâm, động viên, thăm hỏi, chăm sóc các đối tượng người cao tuổi, người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng DN đã tổ chức thăm và tặng 81.309 suất quà với tổng số tiền gần 53 tỷ đồng, tăng 23 tỷ đồng so với Tết năm trước. Hoạt động hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người có công được UBND tỉnh phê duyệt và đã khởi công xây dựng và hoàn thành 1.050/1.150 hộ người có công, đạt 91% KH; 391/408 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, đạt 95% KH.
10.2. Lao động và việc làm
Tính chung 6 tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 14.317 lao động, đạt 51,3% KH năm và tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó đã xuất khẩu được 487 lao động, tăng 3,8%. Trong 6 tháng, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 9.922 đối tượng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70,3%. Tính đến tháng 6, toàn tỉnh có 672,3 nghìn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế.
10.3. Giáo dục - Đào tạo
Giáo dục: Tại thời cuối năm học, toàn tỉnh có 509 trường mầm non và phổ thông các cấp, với 8.919 phòng học và có 9.568 lớp học, 338.262 học sinh, 15.075 giáo viên; so với năm học trước, giảm 1 trường tiểu học, tăng 545 phòng học, tăng 169 lớp học, tăng 20.019 học sinh và giảm 247 giáo viên. Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2019, toàn tỉnh có 59 học sinh đoạt giải/70 học sinh dự thi, đạt tỷ lệ 84,3%. Trong đó, có giải Nhất, 23 giải Nhì và 3 học sinh dự thi chọn đội tuyển Olympic quốc gia dự thi khu vực và quốc tế ở hai môn Vật lý (2 HS) và Hóa học (1 HS). Kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, Bắc Ninh có 5 sản phẩm đoạt giải/9 sản phẩm dự thi, đạt tỷ lệ 55,6%; trong đó, có 01 giải Nhì, 3 giải Ba. Thi học sinh giỏi cấp tỉnh, có 1.878 học sinh đoạt giải/3700 học sinh dự thi, đạt tỷ lệ 50,8%.
Đào tạo: Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, công tác đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH trên địa bàn tỉnh đặc biệt được chú trọng. Năm học 2018-2019, tại các trường TCCN và dạy nghề có 26.948 học sinh đang theo học (không tính học viên trong các lớp ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống), tăng 39% so với năm học trước, với 3.203 giảng viên, tăng 15,4%; các trường CĐ, ĐH có 11.240 sinh viên, tăng 2,2%, với 1.130 giảng viên, tăng 3,7%.
10.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Trong 6 tháng, các tuyến y tế đã khám bệnh cho 938,9 nghìn lượt người, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó có 111,9 nghìn người điều trị nội trú, tăng 5,2%. Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thường xuyên tại 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn; 100% cơ sở tiêm chủng mở rộng công bố đủ điều kiện; thực hiện chuyển đổi vắc-xin 5 trong 1 từ Quinvaxem sang ComBe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp tục được chú trọng. Trong 6 tháng, toàn tỉnh có 8.464 trẻ em mới sinh, tăng 2,9% so cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng thấp trong nhiều năm quy; tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn tăng cao (+19,4%) so cùng kỳ. Các dịch vụ tránh thai, khám và điều trị phụ khoa cho phụ nữ được ưu tiên và nâng cao chất lượng. Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã có 96.587 người sử dụng các biện pháp tránh thai, giảm 2,2% so cùng thời điểm năm trước.
10.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao
Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm cỡ quốc gia như: chương trình nghệ thuật Đón Giao thừa xuân Kỷ Hợi 2019; tổ chức 36 hoạt động trong chương trình Festival “Về miền Quan họ” 2019, kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; giao lưu nghệ thuật giữa một số di sản trong nước được UNESCO vinh danh với chủ đề “Tứ hải giao tình”, đặc biệt là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Rạng rỡ miền Quan họ” Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao quần chúng cũng được tổ chức sôi động, như: tổ chức Hội thi “Hát Dân ca quan họ”; trưng bày “Các cổ vật tiêu biểu”; Hội chợ triển lãm đá cảnh, sinh vật cảnh; Lễ hội Kinh Dương Vương, Lễ hội Khán hoa mẫu đơn tại chùa Phật tích, Hội Lim. Trong 6 tháng, Đài PTTH Bắc Ninh đã thực hiện 2.172 chương trình phát thanh với 2.969 giờ, tăng 9% về số chương trình phát thanh so cùng kỳ năm trước; xây dựng và sản xuất 1.736 chương trình truyền hình với 4.344 giờ, tăng 14,5% về số chương trình truyền hình.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển nhiều giải thể thao quần chúng đã được tổ chức thu hút lượng lớn quần chúng nhân dân tham gia, như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2019 gắn với giải chạy Nagakawa “khỏe để lập nghiệp và giữ nước” cúp báo Bắc Ninh lần thứ XXIII năm 2019 thu hút gần 3.000 người tham gia; sự kiện chạy Samsung Running Together - Hòa nhịp bước, chung hành động thu hút gần 4.000 nhân viên các nhà máy trong KCN và quần chúng huyện Yên Phong tham gia. Ở cấp tỉnh, đã tổ chức thành công nhiều giải thể thao quốc gia, quốc tế, như: giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp LienvietPostbank năm 2019 với sự tham gia của 8 đội mạnh; giải bóng chuyền quốc gia PV Gas năm 2019 tại Bắc Ninh với 10 đội tham gia...Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Trong 6 tháng, đã cử 14 Đoàn thể thao tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế; cử 13 HLV, VĐV tham gia tập huấn đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia môn vật, cầu lông, cử tạ, karatedo, judo, boxing. Kết quả, các VĐV đã giành được 59 huy chương các loại, trong đó có 11 huy chương quốc tế; đặc biệt tại giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên thế giới tại Hoa Kỳ được tổ chức từ ngày 4- 16/3/2019, VĐV Đỗ Tú Tùng đã đạt thành tích đặc biệt xuất sắc, phá 3 kỷ lục thế giới ở nội dung cử giật mức tạ 95kg, nội dung cử đẩy mức tạ 125kg, nội dung tổng cử mức tạ 220kg.
10.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
An ninh chính trị và TTATXH: Trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm tương đối ổn định và đảm bảo an toàn, các lực lượng chức năng tập trung và tổ chức nhiều đợt đấu tranh, kiểm soát tội phạm liên quan đến tín dụng đen, mua bán ma túy. Tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/6/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 282 vụ phạm pháp hình sự, giảm 0,7% so cùng thời điểm năm trước; phát hiện và bắt giữ 425 vụ buôn bán ma túy với 591 đối tượng, thu 3.909 gam heroin, ma túy dạng bột.
An toàn giao thông: Trong 6 tháng, trên địa bàn tỉnh đã mở 2 đợt cao điểm để đảm bảo trật tự ATGT dịp tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân 2019 và dịp lễ 30/4-1/5, nên TNGT giảm ở cả 3 tiêu chí. Trong 6 tháng, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ TNGT, làm 31 người chết và 11 người bị thương; so cùng kỳ năm trước, giảm 6 vụ, giảm 3 người chết và giảm 2 người bị thương.
10.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
Trong 6 tháng toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy nổ, gây thiệt hại về kinh tế 12,9 tỷ đồng; so cùng kỳ năm trước, tăng 2 vụ, giảm 2 người chết, giảm 1 người bị thương và giảm 13 tỷ đồng về giá trị thiệt hại. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định về xử lý chất thải tại các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề... vẫn còn diễn ra phổ biến. Tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/6/2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 251 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; qua điều tra đã ra quyết định xử phạt hành chính 229 vụ, thu nộp Kho bạc Nhà nước 1,9 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, giảm 2 vụ và giảm khoảng 250 triệu đồng./.