Triển khai công tác tư tưởng – văn hoá năm 2006

02/06/2011 06:37
Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác tư tưởng-văn hoá năm 2006, do Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương tổ chức tại Hà Nội đã khai mạc sáng 2-1-2006, với hơn 400 đại biểu ở 64 tỉnh, thành phố trong cả nước và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương đến dự. Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương chủ trì hội nghị.
 

Đồng chí Hồng Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó thường trực Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác tư tưởng-văn hoá 5 năm qua và năm 2005; phương hướng nhiệm vụ công tác tư tưởng năm 2006 đã nhấn mạnh về việc: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng-văn hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa và hội nhập. Báo cáo khẳng định: Công tác tư tưởng-văn hoá đã hoàn thành nhiệm vụ năm 2005; hoàn thành 10 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng; xử lý nhiều vấn đề mới nẩy sinh, góp phần tổng kết lý luận, thực tiễn 20 năm đổi mới; giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng, an ninh, quốc phòng; động viên toàn Đảng, toàn dân dồn sức cho sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc từng bước được tháo gỡ, nâng cao niềm tin của xã hội vào con đường đi lên của đất nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng-văn hoá đã được quy hoạch một bước, có tư tưởng, chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tiến bộ rõ về năng lực nghiệp vụ; vị trí, vai trò của công tác tư tưởng-văn hoá được xã hội ghi nhận... Hội nghị cũng đã nêu lên những nguyên nhân và hạn chế của công tác tư tưởng-văn hoá, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để triển khai các năm sau.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác tư tưởng-văn hoá năm 2006, hội nghị xác định: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Nghị quyết của Đại hội với nhiều nội dung to lớn là bước ngoặt quan trọng trong đổi mới tư duy và thực tiễn của Đảng, có tác động không nhỏ đến toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội ở nước ta. Ý kiến của các đại biểu nhất trí với kết luận của Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) là: Tư tưởng tích cực vẫn là xu hướng chủ đạo, nhưng mặt tiêu cực có xu hướng mở rộng với tính chất phức tạp và nghiêm trọng hơn trước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, cùng với các nguy cơ khác sẽ dẫn đến suy yếu, rối ren nội bộ, kích động làm mất ổn định chính trị. Do vậy, phương hướng của công tác tư tưởng-văn hoá trong thời gian tới là phải nắm bắt và phát huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần quan trọng giữ vững môi trường chính trị, xã hội ổn định, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định sự lãnh đạo của Đảng và đường lối đổi mới. Chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; kiên quyết phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác tư tưởng-văn hoá theo hướng bám sát thực tiễn, sát đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm và sức thuyết phục; kịp thời tổng kết thực tiễn, làm rõ hơn các vấn đề về lý luận do thực tiễn đặt ra. Nâng cao năng lực nghiên cứu tham mưu, chỉ đạo kiểm tra và tính chiến đấu của công tác tư tưởng-văn hoá, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Hội nghị đã tập trung thảo luận 9 biện pháp chủ yếu về công tác tư tưởng-văn hoá đặt ra trong năm 2006, gồm: Có kế hoạch cụ thể tuyên truyền Đại hội lần thứ X của Đảng theo 3 bước (trước, trong và sau Đại hội); phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương tham mưu với Ban Bí thư, cấp uỷ chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc đợt học tập, nghiên cứu các văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu 20 năm đổi mới đất nước; tổ chức tốt việc thí điểm mở cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; nâng cao chất lượng các cuộc giao ban ở trung ương và địa phương ( giao ban báo chí, xuất bản, văn hoá-văn nghệ, dư luận xã hội, an ninh tư tưởng-văn hoá, thông tin đối ngoại và giao ban với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể...).

System Account
Nguồn: BBN