Triển khai công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

28/04/2017 09:36

(BNP) - Chiều 27/4, đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị triển khai kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2017.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành phát biểu kết luận Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống và Bắc Đuống.
 
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ năm 2016 đến cuối tháng 4/2017, toàn tỉnh phát sinh 257 trường hợp vi phạm Luật Đê điều thuộc địa bàn các huyện: Yên Phong, Tiên Du, Lương Tài, Thuận Thành, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh, trong đó, có 155 trường hợp vi phạm nằm trong khu dân cư, khu đô thị cổ. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, nhà tạm, tường rào, tường bao, đào ao, xẻ đê làm dốc lên xuống và các vi phạm khác.
 
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh phát sinh 87 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, chủ yếu là làm cầu, cống, đắp đập ngăn lòng kênh, xây chuồng trại, chắn đăng đó, đóng cọc bê tông, đổ đất lấn chiếm lòng kênh, xây nhà, lều lán, công trình phụ trên bờ kênh, mái kênh…Ngoài ra, tình trạng xe ô tô quá tải trọng đi lại trên thân đê diễn ra tại một số vị trí, ảnh hưởng đến an toàn đê, tình trạng đổ rác thải trên thân đê diễn ra tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến công tác tuần tra và hộ đê trong mùa mưa bão.
 
Trong năm 2016, toàn tỉnh đã  tiến hành xử lý dứt điểm 23 trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm, các ý kiến tại Hội nghị của đại diện các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung phân tích, làm rõ những nguyên nhân, đồng thời đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi cho người dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh với chính quyền cấp huyện trong công tác quản lý Nhà nước về đê điều và công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành đánh giá cao sự tập trung của các ngành, đơn vị, địa phương trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép và tình trạng xe trở quá tải trọng trên đê, góp phần bảo vệ hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn cho đời sống và sản xuất của nhân dân.
 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ, bên cạnh các huyện thực hiện tốt việc xử lý vi phạm, vẫn còn một số địa phương, nhất là chính quyền cấp xã chưa thực sự vào cuộc quyết liệt dẫn đến để vi phạm còn tồn đọng. Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành yêu cầu, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt các huyện: Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý vi phạm, trong đó, chỉ đạo các xã, phường tiến hành rà soát, thống kê, phân loại cụ thể tình hình vi phạm, từ đó xây dựng, triển khai kế hoạch xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền ngay trong tháng 5. Đối với các vi phạm nghiêm trọng, các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch xử lý trong tháng 6/2017.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao các Sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi của các địa phương. Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông, các địa phương tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng xe ô tô quá tải trọng đi lại trên mặt đệ cũng như thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý ở mức cao nhất các trường hợp khai thác cát sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão.
H.T