Cần nghiên cứu sự cần thiết ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương

22/11/2024 20:36

(BNP) - Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh.

Thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua tìm hiểu, trên thế giới rất ít quốc gia ban hành quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) quốc gia, vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ lý do tại sao Việt Nam lại có cả tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia song song tồn tại? Nên chăng chỉ cần có các quy định bắt buộc ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng có được không? Ví dụ: Quy định về danh mục phụ gia thực phẩm và giới hạn tối đa phụ gia thực phẩm là văn bản bắt buộc áp dụng.

Một trong những chính sách đặt ra là tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn. Để Luật hóa quy định này thì không chỉ dừng lại ở việc mở rộng các đối tượng được tham gia góp ý vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, mà nên giao cho Hội, Hiệp hội được trực tiếp xây dựng, ban hành một số tiêu chuẩn. Theo đó, nên thiết lập 2 loại tiêu chuẩn là Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) và Tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng (TCH) theo nguyên tắc: TCVN do nhà nước xây dựng, tập trung nguồn lực vào xây dựng các Tiêu chuẩn liên quan đến quốc phòng, an ninh; còn các lĩnh vực khác, yêu cầu phải chứng nhận sự phù hợp thì nên trao quyền cho các Hội, Hiệp hội ban hành. Đồng thời, quy định điều kiện đối với Hội, Hiệp hội đủ năng lực xây dựng tiêu chuẩn, quản lý chương trình chứng nhận tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục ban hành TCH. Thiết lập cơ chế để các Hội, Hiệp hội ngành nghề có đủ công cụ để giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc chấp nhận tiêu chuẩn hội và cho phép các hiệp hội đủ điều kiện ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm và quản lý chương trình chứng nhận sản phẩm. Các Hội, Hiệp hội có thể chủ động quy hoạch số lượng tổ chức chứng nhận, thử nghiệm hỗ trợ công tác quản lý chương trình chứng nhận của Hội. Nhà nước bảo hộ TCH thông qua việc xác nhận quyền tác giả đối với các TCH.

Về quy trình ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, đại biểu đề nghị rà soát theo hướng về trình tự, thủ tục giao Chính phủ hướng dẫn quy định chi tiết. Đồng thời, nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với Luật Ban hành văn bản QPPL. Hiện nay, việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải được ban hành bằng hình thức thông tư do Bộ trưởng ban hành, nhưng trình tự thủ tục lại không thực sự theo trình tự ban hành Thông tư thông thường. Do đó, trong thời gian vừa qua có sự lúng túng trong quá trình thực thi. Đề nghị khi xây dựng Luật này, cũng như hiện Bộ Tư pháp đang được giao xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Ban hành VBQPPL cần nghiên cứu, giải quyết vướng mắc này.

Về công bố hợp quy, trong quá trình áp dụng những quy định này đang được các cơ quan chức năng vận dụng khác nhau gây khó cho người dân, doanh nghiệp, làm phát sinh rất nhiều chi phí và thời gian của người dân, doanh nghiệp. Trong đó điển hình là vấn đề công bố hợp quy sản phẩm. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy: Sản phẩm có QCKT đã được sản xuất trong các nhà máy có cơ sở vật chất và quy trình sản xuất được cơ quan chức năng đánh giá công nhận đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đáp ứng các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP, trong y tế, thú y còn là GMP/WHO… nhưng lại phải công bố hợp quy cho từng sản phẩm thì mới được phép lưu hành. Như vậy, quy định công bố hợp quy sản phẩm trước khi được phép sản xuất kinh doanh là thừa và hình thức.

Quy định sản phẩm có QCKT phải công bố khi lưu hành, đã buộc 100% các lô hàng hóa sản phẩm nhập khẩu, chỉ hoàn thành thủ tục thông quan và được phép lưu hành khi có kết quả công bố hợp quy. Điều này đã làm phát sinh bất cập là 100% các lô hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra chất lượng mới được phép thông quan, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp hậu kiểm hoặc thừa nhận lẫn nhau hoặc kiểm tra xác suất với tần suất không quá 5% số lô hàng nhập khẩu đã là quá nhiều. Phát sinh chi phí kiểm tra và thời gian lưu kho, lưu bãi rất nhiều cho các doanh nghiệp, vì rất nhiều loại hàng hóa và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay là mua bán trên môi trường điện tử. Hàng hóa về cảng, sau khâu kiểm dịch cần được phân phối luôn cho khách hàng. Nếu chờ lấy mẫu phân tích để công bố hợp quy không những phát sinh thêm chi phí mà còn làm chậm thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp…

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đánh giá tác động kỹ lưỡng để xem xét Điều 48 dự thảo Luật có thực sự cần thiết phải công bố hợp quy sản phẩm hay không. Mà nên quan niệm (quy định) QCKT chỉ là căn cứ (quy định) để các đối tượng chịu tác động phải chấp hành và cơ quan kiêm tra làm căn cứ để xử lý các vi phạm.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu xem có thực sự cần thiết ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương hay không? Qua khảo sát thực tế việc xây dựng Luật vừa qua cho thấy, chỉ có rất ít địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương và nếu có ban hành thì nội dung dường như không khác gì nhiều so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong khi trình tự, thủ tục để ban hành văn bản này mất rất nhiều thời gian, phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan. Đồng thời nghiên cứu để quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bảo đảm thống nhất với các luật khác, nhất là dự án Luật Dữ liệu sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

B.M