Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

23/11/2024 15:33

(BNP) - Sáng 23/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Sau đó, thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật này.

Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu ý kiến tại Tổ 13.

Thảo luận ở Tổ 13, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành 2 Luật trên.

Đóng góp cụ thể vào dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại Điều 15 quy định về việc phân phối lợi nhuận sau thuế, đại biểu đề nghị xem xét lại mức trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Bởi, việc quy định cứng mức trích vào quỹ không quá 50% có thể làm hạn chế khả năng sử dụng vốn hiệu quả của doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu cho rằng, thay vì áp đặt con số giới hạn cố định thì nên giao cho Chính phủ quy định nguyên tắc chung và trao quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định linh hoạt mức trích phù hợp, dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh đặc thù của từng doanh nghiệp. Quyết định này cần dựa trên báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và được công khai minh bạch.Việc trao quyền này sẽ góp phần nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển của mình.

Đánh giá cao quy định tại Điều 18 về việc tập trung đầu tư vốn Nhà nước vào các lĩnh vực cốt lõi, đại biểu cho rằng, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần xem xét mở rộng phạm vi đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như: Công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo vàcông nghệ sinh học. Việc đầu tư vào các ngành lĩnh vực này không chỉ giúp Việt Nam chuyển đổi số thành công, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và hướng tới một tương lai phát triển bền vững. Đây cũng là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành một quốc gia phát triển. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với Luật Công nghiệp công nghệ số, theo đại biểu, tại điều 5 về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số hiện tại còn mang tính chất khái quát, thiếu các nội dung cụ thể, đột phá và chưa phân định rõ ràng đối tượng áp dụng. Điều này khiến cho việc triển khai vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn, đồng thời chưa thể hiện được sự khác biệt đáng kể so với lĩnh vực công nghệ thông tin. Để công nghiệp công nghệ số trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cần thiết phải bổ sung các chính sách rõ ràng, ưu đãi vượt trội và có tính tập trung, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Các chính sách này cần được cụ thể hóa thành các điều khoản trong Luật để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ trong thực thi.

Tại Điều 25 của dự thảo Luật đã có nhiều quy định liên quan đến phát triển nguồn nhân lực công nghệ số (CNS), nhưng nội dung vẫn chưa cụ thể, thiếu rõ ràng về định hướng ưu tiên và đối tượng cần tập trung. Các quy định hiện tại chưa làm nổi bật được những giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh ngành CNS đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ban soạn thảo cần nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nhân tài, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp CNS đầu tư lớn vào đào tạo và phát triển nhân lực. Song song đó, có thể áp dụng cơ chế tài trợ một phần chi phí đào tạo cho các chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và viện, trường nhằm nâng cao kỹ năng thực tiễn cho sinh viên và lao động. Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp CNS xây dựng chính sách lương, thưởng cạnh tranh thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia và nhân lực có trình độ cao làm việc trong ngành. Ngoài ra, nên nghiên cứu thêm các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhân lực chất lượng cao từ các quốc gia có nền công nghệ phát triển, kết hợp với chính sách định cư ưu đãi cho các chuyên gia công nghệ nước ngoài.

Về quy định về hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp CNS (Mục 2, Chương III) của Dự thảo Luật, đại biểu hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết phải có những quy định hỗ trợ và ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số (CNS). Tuy nhiên, các quy định hiện tại còn mang tính chất chung chung, chủ yếu dẫn chiếu đến pháp luật chuyên ngành như đầu tư, đất đai, thuế, hay xuất nhập khẩu, chưa thực sự tạo ra động lực đột phá cho ngành. Để thúc đẩy ngành CNS phát triển mạnh mẽ, cần bổ sung các chính sách cụ thể, mang tính vượt trội, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Có thể hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp CNS, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừathông qua áp dụng chính sách ưu đãi thuế mang tính đột phá, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu cho các doanh nghiệp CNS mới thành lập, giảm 50% thuế trong 10 năm tiếp theo nếu đáp ứng tiêu chí đổi mới công nghệ, hoặc miễn thuế nhập khẩu cho các thiết bị công nghệ hiện đại. Những chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn về nguồn lực mà còn thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường, từ đó hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu trong khu vực.

Chiều nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Sau đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)./.

M.B