“Hành trang” để khôi phục kinh tế
Nhờ triển khai đồng bộ đúng, trúng các biện pháp chống dịch, nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh có thêm dư địa để phát triển và phục hồi kinh tế.
Gần đây, Bắc Ninh có mô hình mới, với thương hiệu “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” - là bước đi cụ thể hoá Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư đến năm 2030.
Bắc Ninh cũng là tỉnh được đánh giá có nhiều cơ chế tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong cuộc chia sẻ với Người Đưa Tin nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Ngô Tân Phượng - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định - luôn trân trọng và xác định vai trò quan trọng của bộ phận kinh tế tập thể và tư nhân - trong đó doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chính sách tốt nhờ sự đồng lòng
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, tháng 10 là tháng của Doanh nhân Việt Nam. Mở đầu bài phỏng vấn, xin ông có thể chia sẻ tình cảm của mình tới đội ngũ doanh nhân - những người đang ngày đêm nỗ lực góp phần phát triển đất nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng?
Ông Ngô Tân Phượng: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh, thành cả nước, Bắc Ninh rất chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trước những tác động không mong muốn từ dịch bệnh Covid-19.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, hy vọng rằng đây là một “phép thử” để doanh nghiệp ngày càng khỏe hơn, đồng thời điều đó cũng cho thấy thực tế rằng, trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chính quyền tỉnh Bắc Ninh luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng vượt sóng, đón chờ một tương lai mới tươi đẹp hơn.
NĐT: Qua lời chúc của ông, có thể hiểu được sự đồng hành của Bắc Ninh với cộng đồng doanh nghiệp, vậy điều đó đã được thể hiện cụ thể như thế nào trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua?
Ông Ngô Tân Phượng: Bắc Ninh là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng đầu tiên trong đợt bùng phát thứ tư đại dịch Covid-19, tình huống nguy hiểm nhất là khi xuất hiện các ca nhiễm trong khu công nghiệp, các ca mắc tăng nhanh bật ngờ, trong khi bài toán kinh tế đặt ra là phải giảm thiểu thiệt hại, không thể “đóng băng” các khu công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp sáng tạo, chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ được sức khỏe người lao động.
Duy trì chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” nhanh chóng ổn định tình hình và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ - phương án, con người, lực lượng,phương tiện và chỉ huy tại chỗ; 2 địa điểm, 1 cung đường”.
Với sự chung sức đồng lòng, quyết tâm cao của chính quyền, nhân dân và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và sản xuất đang từng bước được khôi phục, tiếp tục duy trì.
NĐT: Có thể thấy nhiều giải pháp được đưa ra để đối phó với dịch bệnh? Xin ông cho biết đâu là “cú đấm” quyết định để Bắc Ninh kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua?
Ông Ngô Tân Phượng: Có rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng tôi cho rằng, quan trọng nhất là sự đoàn kết, thống nhất giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Thời điểm dịch bắt đồng bùng phát, chúng tôi đã đề nghị các doanh nghiệp sẵn sằng chuẩn bị tình huống xấu nhất trong điều kiện phong tỏa nhưng vẫn tổ chức sản xuất được, theo đó sẽ cho người lao động ở lại doanh nghiệp hoặc ở khu lưu trú tập trung để đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch (ba tại chỗ và 2 điểm đến 1 cung đường). Các doanh nghiệp đã rất ủng hộ điều đó.
Ngoài ra, quyết định thành lập 40 tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch đối với hơn 1.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Bắc Ninh cũng là quyết định thể hiện sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp.
Tóm lại, Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng và trúng các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4. Do vậy, Bắc Ninh đã kiểm soát tốt dịch đồng thời các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn hoạt động tương đối bình thường.
Chuẩn bị “hành trang” cho chặng đường dài
NĐT: Chúng ta hiểu rằng, dịch bệnh còn có rất nhiều nguy cơ, điều đó đòi hỏi tâm thế chủ động của địa phương cũng như các doanh nghiệp để duy trì và khôi phục sản xuất. Xin ông cho biết kế hoạch của tỉnh Bắc Ninh là gì?
Ông Ngô Tân Phượng: Đúng vậy, để chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước, Bắc Ninh đã và đang chuẩn bị một số “hành trang” cơ bản.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua khó khăn, nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tạo sức lan tỏa.
Thứ hai, sớm đưa Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thứ ba, triển khai có hiệu quả mô hình Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp “3 nhất”: Tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh; các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành lĩnh vực có liên quan, thực hiện công khai theo quy định làm cơ sở thu hút nhà đầu tư.
Thứ năm, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trực tuyến thông qua các đầu mối từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán… giúp Bắc Ninh kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Thứ sáu, tiếp tục quán triệt thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”: sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao và hàm lượng công nghệ cao; sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.
Thứ bảy, tăng cường công tác ngoại giao vắc-xin để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập cảnh trong trường hợp đủ điều kiện; từ đó ổn định cuộc sống và sản xuất.
NĐT: Dịch Covid-19 càng thêm khẳng định rằng, kinh tế - xã hội thường xuyên có những biến động, điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thích nghi phù hợp, tỉnh Bắc Ninh đã đồng hành cùng doanh nghiệp ra sao trong từng giai đoạn?
Ông Ngô Tân Phượng: Tỉnh Bắc Ninh luôn trân trọng và xác định vai trò quan trọng của bộ phận kinh tế tập thể và tư nhân - trong đó doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho công đồng doanh nghiệp và tổ chức các cuộc làm việc với từng doanh nghiệp khi doanh nghiệp có khó khăn; đồng thời thành lập mô hình bác sỹ doanh nghiệp, tổ phản ứng nhanh 3 nhất để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bắc Ninh cũng thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 19.271 người và 16 hộ kinh doanh, với số tiền96.033 triệu đồng, trong đó có 134 lao động mang thai và 2.176 trẻ em dưới 6 tuổi).
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Chính sách tốt - hiệu quả cao
NĐT: Trở lại với kinh tế tư nhân, thưa ông, thúc đẩy kinh tế tư nhân đã được Đảng ta rất quan tâm và cụ thể hóa bằng Nghị quyết TW10-2017 và Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Tại Bắc Ninh, những năm qua tỉnh đã và đang triển khai nội dung này thế nào?
Ông Ngô Tân Phượng: Năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đã có Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 - 2025; Chính sách hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ sở khởi nghiệp ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo,….
Đồng thời tỉnh chỉ đạo các sở ngành địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá, thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 và tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Việc ban hành các chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là giao thông, đô thị, cấp thoát nước, xử lý chất thải bảo vệ môi trường...
Tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin; Nâng cao chất lượng, trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và quản lý tài chính.
Tích cực tham gia các hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước. Hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu.
NĐT: Ông có thể chia sẻ những quyết sách cụ thể của Bắc Ninh dành cho doanh nghiệp trong thời gian qua?
Ông Ngô Tân Phượng: Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài việc ban hành các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Hàng năm, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức các cuộc làm việc với từng doanh nghiệp khi doanh nghiệp có khó khăn.
Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo. Về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính mới ban hành, bãi bỏ, công bố công khai tạo điều kiện Nhà đầu tư tiếp cận thông tin, giải quyết thủ tục…
Điều này đã có hiệu quả tức thì. Ví dụ như thời gian ngắn nhất mà Bắc Ninh đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án là 3 ngày (đối với thủ tục thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư).
Đối với thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, theo số liệu báo cáo từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, hiệu năng xử lý hồ sơ đăng kí doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Bắc Ninh thời gian trung bình đăng ký mới doanh nghiệp là 1,92 ngày, thời gian trung bình đăng ký thay đổi doanh nghiệp là 1,73 ngày, thời gian ngắn nhất cấp thủ tục hành chính là ngay trong ngày.
Trên thực tế triển khai, có những hồ sơ thuộc trường hợp trên đều được thực hiện đúng hạn hoặc trước hạn. Điều này giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiết kiệm thời gian khi thực hiện thủ tục đầu tư tại tỉnh, kịp thời tiếp cận được những cơ hội kinh doanh, giảm thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
NĐT: Cuối cùng, xin ông chia sẻ những đóng góp của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp cho sự phát triển của Bắc Ninh thời gian qua?
Ông Ngô Tân Phượng: Cứ 5 năm, số doanh nghiệp phát triển theo cấp số nhân, điều này phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội sôi động của tỉnh Bắc Ninh. Tôi khẳng định rằng, doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò quan trọng đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh trong những năm qua.
Bên cạnh đóng góp về ngân sách, doanh nghiệp còn đóng vai trò quan trọng như góp phần quan trọng trong thu hút vốn nhàn rỗi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; tạo việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào giải quyết vấn đề thất nghiệp trên địa bàn. Góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý. Đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội hóa, an sinh xã hội…
NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!