Thực hiện chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thuế, ngân hàng
(BNP) – Sáng 13/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thực hiện chính sách hỗ trợ và giải đáp các vướng mắc của Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực thuế, ngân hàng. Đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan, đại diện Hiệp hội DNNVV tỉnh và Hội DNNVV các huyện, thị xã, thành phố.
Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thuế, ngân hàng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đạt gần 140 tỷ đồng, hỗ trợ gia hạn tiền nộp thuế và thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gần 3.700 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.700 khách hàng với số tiền 17,9 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 900 khách hàng, tổng dư nợ cơ cấu 3.437,1 tỷ đồng... qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh báo cáo tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như Sở, ngành chức năng đã luôn quan tâm, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, trao đổi, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến mức giảm lãi suất chung và hỗ trợ giãn nợ áp dụng đồng đều cho tất cả các khách hàng đủ điều kiện vay; giãn thời gian trả các khoản vay trung và dài hạn đến hết năm 2021; nới lỏng các điều kiện cho vay và lãi suất ưu đãi hơn; xét duyệt doanh nghiệp đủ điều kiện cho phép vay tín chấp, nếu thế chấp thì nâng hạn mức cho vay.
Đại diện Hội DNNVV các địa phương phát biểu tại Hội nghị.
Đối với lĩnh vực thuế, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh cần triển khai nhanh Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về miễn, giảm tiền thuê đất; ngoài chính sách chung của Nhà nước, đề nghị tỉnh giảm thêm tiền thuê đất đối với một số ngành, lĩnh vực phải dừng hoạt động kéo dài do quy định phòng dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến giá điện, chi phí xét nghiệm Covid-19, tiêm vắc xin cho công nhân, lao động làm việc trong các DNNVV…
Ông Nguyễn Như Đôn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp.
Trực tiếp trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh và các Sở, ngành, đơn vị liên quan đều chia sẻ khó khăn, áp lực với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời, cam kết đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ; nâng cao khả năng thụ hưởng của doanh nghiệp. Đối với một số vấn đề vượt thẩm quyền, các đơn vị sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo với UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng gửi lời tri ân cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch, kiên trì và nỗ lực vượt qua khó khăn để sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, góp phần quan trọng vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Đồng thời, khẳng định tỉnh Bắc Ninh luôn thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và vươn xa hơn nữa.
Ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các Ngân hàng thương mại và Cục Thuế tỉnh tiếp tục mở các kênh tiếp cận, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc; phối hợp thường xuyên, hiệu quả với Thường trực Tổ phản ứng nhanh 3 nhất để giải quyết những trường hợp, vụ việc cần phối hợp liên ngành; chủ động rà soát, kiến nghị với cơ quan Trung ương những bất cập trong chính sách để kịp thời tháo gỡ.
Đại diện Hiệp hội DNNVV tham gia các ý kiến, đề xuất tại Hội nghị.
Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, phổ biến nội dung của chính sách hỗ trợ đến các đối tượng có liên quan; áp dụng linh hoạt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ. Tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận chính sách, đúng đối tượng và không bỏ sót trường hợp nào.
Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị.
Đối với các Sở, ngành, địa phương bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, triển khai các biện pháp y tế một cách khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả, nhất là Chiến lược vắc xin, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Sớm triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phù hợp với thực tế địa phương. Tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.