Đình Đại Lai
Đại Lai vốn là một làng cổ, xưa thuộc tổng Đại Lai (nay thuộc thôn Đại Lai - xã Đai Lai - huyện Gia Bình). Nơi đây còn bảo lưu được ngôi đình cổ kính, phản ánh đậm nét bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa tiêu biểu của người dân địa phương.
Di tích đình Đại Lai - xã Đại Lai - huyện Gia Bình
Theo văn bia ghi lại việc công đức làm đình, đình Đại Lai được xây dựng vào đời Cảnh Hưng 35 (1774). Đình có bố cục hình chữ Đinh với Đại đình 5 gian, hậu cung 3 gian, toàn bộ hệ thống khung chịu lực được làm bằng gỗ lim chắc khỏe. Trên các bộ vì, cốn, bẩy được trang trí các đề tài tứ linh, tứ quý rất tinh xảo, chạm khắc đẹp, sàn bằng gỗ. Hai bên Đại đình có nhà dải vũ, bên ngoài sân rộng là ao, giếng đình, có cây đa cổ thụ soi bóng xuống ao đình.
Đến năm 1806 niên hiệu Gia Long thứ 4, đình được trùng tu, tôn tạo. Năm 1948, thực dân Pháp đóng bốt ở Địch Trung đã phá đình, lấy gạch gỗ về xây bốt. Cùng với đó, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, nhân dân địa phương cũng đã tự nguyện phá đình, lấy gạch gỗ ủng hộ kháng chiến. Phải đến năm 1998, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương đã huy động sức người, sức của tôn tạo mặt bằng và xây dựng lại ngôi đình với kiến trúc truyền thống trên nền xưa đất cũ để tiếp tục thờ các vị thành hoàng của làng.
Đình Đại Lai hiện tọa lạc ở giữa làng, quay theo hướng Đông Nam, phía trước là đường làng và ao đình, các phía còn lại giáp khu dân cư. Khuôn viên di tích đã được xây tường bao bảo vệ.
Đình Đại Lai hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm tòa Đại đình 3 gian 2 chái và 3 gian Hậu cung. Hệ thống khung chịu lực được dựng bằng gỗ, vì nóc kết cấu theo kiểu con chồng, giá chiêng cột trụ trốn, vì nách kiểu cốn mê kẻ bẩy. Trên các bức cốn, đầu dư, con chồng được chạm khắc các đề tài rồng mây, hoa lá cách điệu đẹp mắt.
Theo tài liệu sử sách và lời kể của các cụ cao niên trong làng, đình Đại Lai thờ đức thánh Lữ Gia - người có công tập hợp nhân dân chống lại giặc Hán xâm lược (thế kỷ thứ II sau Công Nguyên). Ngoài ra, đình làng Đại Lai còn thờ Nhị vị thánh Tam San đại vương và Ngò Lang đại vương. Các ngài đã che chở, bảo vệ nhân dân, khuyến khích dân cày lúa trồng màu, mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và có công lớn giúp vua đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.
Hiện nay, đình Đại Lai còn bảo lưu số lượng hiện vật, tư liệu rất phong phú: 05 bia đá có niên đại thời Lê - Nguyễn, đây là những tư liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển di tích và làng đình Đại Lai. Ngoài ra, di tích còn bảo lưu được nhiều hoành phi, câu đối có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao.
Hàng năm, lễ hội truyền thống đình làng Đại Lai được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng. Lễ hội được người dân chuẩn bị hết sức chu đáo với lễ vật là lợn, gà, hương hoa. Trong ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với người trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, đánh cờ người, làm câu đối, chơi đu… Ban đêm, tổ chức hát chèo, diễn tích tuồng cổ, do vậy đã thu hút đông đảo khách thập phương tới trảy hội. Đến nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca “Thứ nhất hội Lai, thứ hai hội Gióng”.
Ngày 21/12/2012, đình Đại Lai đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh./.