Đình Quan Đình
Quan Đình, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vốn là một làng Việt cổ nằm dưới chân núi Thất Diệu Sơn từ thời Hùng Vương - An Dương Vương.
Phía trước đình Quan Đình.
Theo dòng chảy lịch sử, làng Quan Đình đã di chuyển đến phía Nam của huyện Yên Phong, giáp ranh giữa hai huyện cổ: Đông Ngàn và Yên Phong. Trong số những di sản văn hóa của làng Quan Đình là ngôi đình 300 năm tuổi, kết tinh bề dầy lịch sử và văn hiến của cộng đồng làng xã nơi đây. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi đình Quan Đình vẫn còn đó, cổ kính với những lớp mái ngói rêu phong, đao cong uốn lượn dưới những tán cây cổ thụ, bên cạnh là ngôi chùa làng, tạo thành quần thể di tích cổ kính linh thiêng.
Căn cứ vào dấn ấn kiến trúc điêu khắc cổ, đặc biệt là dòng lạc khoản trên thượng lương của tòa Đại bái vẫn còn nguyên dòng chữ Hán: “Cảnh Hưng tam thập tứ niên” (1773), cho phép khẳng định ngôi đình đã được xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng.
Theo các cụ cao niên trong làng, khi mới được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, đình Quan Đình chỉ có một tòa Đại đình to lớn đồ sộ, trang trí chạm khắc đẹp. Sang đến thời Nguyễn, dân làng Quan Đình mới xây dựng thêm tòa Tiền tế, nới thêm phần Ống muống, Hậu cung và xây thêm hai tòa Tả vu, Hữu vu tạo thành kết cấu kiến trúc kiểu “Tiền chữ Quốc, hậu chữ Công”. Vào những năm 70 của thế kỷ XX, tòa Tiền tế và nhà Tả vu, Hữu vu đã bị dỡ bỏ hoàn toàn, dấu ấn để lại là hệ thống nền móng và chân tảng cột đá xanh rất lớn. Ngày nay, đình Quan Đình chỉ còn tòa Đại đình theo kiểu chữ Công (I) bao gồm: Đại bái, Ống muống và Hậu cung nhưng quy mô rất rộng lớn, đồ sộ với tổng diện tích là 418m2.
Nghệ thuật điêu khắc ở đình Quan Đình có thể coi là một công trình nghệ thuật kiến trúc đặc sắc. Trừ hệ thống xà dọc và câu đầu, tất cả 6 vì của 5 gian tòa Đại đình, cốn, đầu dư, con chồng, cửa võng đều được chạm lộng với những tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc. Các nghệ nhân dân gian đã tận dụng từng khoảng gỗ nhỏ để thể hiện sự tài hoa khéo léo của mình qua bốn con vật linh: long, ly, quy, phượng biến hóa với trăm vẻ khác nhau, rất phóng khoáng, mạnh mẽ và sinh động. Tất cả hòa hợp lại, bổ xung cho nhau, họa tiết này tôn thêm vẻ đẹp của họa tiết kia, tạo nên sự phong phú và đa dạng, phối hợp rất ăn ý với kết cấu kiến trúc chồng dấu, làm cho ngôi đình trở thành một công trình nghệ thuật kiến trúc hoàn chỉnh, cổ kính.
Ngoài 4 con vật tứ linh, ở đình Quan Đình còn có nhiều bức điêu khắc độc lập về hoa sen cách điệu, hổ nằm, nghê cười, cá chép ngậm hoa sen… Mỗi bức điêu khắc đều mang một chủ đề riêng biệt, đường nét chạm khắc khéo léo, mềm mại thể hiện nghệ thuật trang trí điêu luyện.
Cùng với những họa tiết điêu khắc trang trí truyền thống của dân tộc, ta còn bắt gặp ở ngôi đình một số hình ảnh mang dáng dấp của văn hóa Chàm như điêu khắc ma ca ra cách điệu trên con rồng đằng trước… Những bức trạm khắc này mang đến cho ngôi đình vẻ cổ kính, sinh động hấp dẫn, chứng tỏ nghệ nhân dân gian xưa đã có sự tiếp thu, chọn lọc văn hóa khá tinh tế.
Bên cạnh giá trị lớn về kiến trúc, điêu khắc, đình Quan Đình còn có giá trị về nhiều mặt đặc biệt là cổ vật. Tuy số lượng không nhiều, nhưng giá trị của cổ vật ở đây lại vô cùng phong phú. Đó chính là hệ thống thần phả, đồ thờ tự, những ngai thờ, câu đối, kiệu thờ, ngựa gỗ cùng nhiều đồ thờ tự cổ quý khác, trong đó đặc biệt là bức hoành phi “Quan Đình nghĩa dân”, tương truyền là do Vua ban cho dân làng Quan Đình vì có nghĩa với triều đình và 57 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam tặng cho người được thờ tự tại đây. Hệ thống đạo sắc phong này đã cho biết “Thần” được thờ ở đình Quan Đình là: “Cao Sơn đại vương” (Thần núi), “Thánh Tam Giang” (Trương Hống và Trương Hát) và “Thổ Linh chi đầu” (Thổ Thần). Như vậy, đình Quan Đình chính là di tích còn giữ được nhiều sắc phong nhất của tỉnh Bắc Ninh hiện nay.
Cùng với những giá trị về kiến trúc điêu khắc, tín ngưỡng, cổ vật, đình Quan Đình còn có giá trị về văn hóa thông qua lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) tại đình làng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Lễ hội giúp các thành viên cộng đồng làng xã cùng hướng về cội nguồn quê hương, tưởng nhớ và biết ơn những bậc tiền nhân khai ấp lập làng, những người có công với dân với nước, tạo ra tinh thần đoàn kết, vui tươi lành mạnh mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc.
Với những giá trị trên, đình Quan Đình đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1989.