Đình Hữu Chấp
(BNP) - Đình Hữu Chấp, thôn Hữu Chấp (phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh) được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng, đến nay đình làng là trung tâm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư qua nhiều thế hệ, nơi chứa đựng những kỷ niệm về hồn quê hương đất nước. Đình Hữu Chấp đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 242/QĐ-UBND của UBND tỉnh năm 2014.
Đình Hữu Chấp bao gồm các công trình: Đại đình và Hậu cung. Đại đình gồm 3 gian 2 chái 4 mái đao cong. Kết cấu hệ chịu lực (hệ vì) được làm bằng gỗ xoan với 4 bộ vì, mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột đặt trên tảng kê bằng đá.
Toà đại đình.
Hai bộ vì gian giữa có vì nóc kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “ván mê (cốn), bảy hiên”. Hai bộ vì gian bên có vì nóc kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kết cấu kiểu “con chồng, bảy hiên”.
Cổng chính được chạm khắc tinh xảo.
Các bộ vì được liên kết với nhau thành hệ khung chịu lực bởi các xà dọc ăn mộng vào cột cái và cột quân.
Bộ bát bửu.
Hậu cung gồm 2 bộ vì tạo thành 1 gian.
Hậu cung gồm 2 bộ vì tạo thành 1 gian, kết cấu như sau: bộ vì phía trước sử dụng xà hạ phía trong tòa Đại đình làm quá giang, phía trên có 2 cột trốn vươn lên đỡ vì nóc kiểu “vì kèo”. Bộ vì phía trong có kết cấu tương tự nhưng cột trốn đặt trên quá giang gác tường.
Trống được sử dụng trong lễ hội của đình.
Các thành phần kiến trúc để trơn không trang trí, chủ yếu bào trơn đóng bén, gờ chỉ đơn giản. Phía trước để thông với Đại đình, các phía còn lại xây tường bao xung quanh. Nền tòa Hậu cung bằng phẳng, lát gạch bát màu đỏ.
Đình Hữu Chấp thờ thánh Tam Giang (là một trong 372 làng dọc tuyến sông Như Nguyệt thờ thánh Tam Giang).
02 bia đá từ năm1699, 1787.
Cây hương được dựng tại sân đình.
Trong khuôn viên đất đình có dãy nhà 5 gian dùng là nơi hội họp của Ban chấp hành các cụ người cao tuổi trong thôn. Ngày hội truyền thống của Đình Hữu Chấp được tổ chức vào ngày 04 tháng Giêng hàng năm.
Đình Hữu Chấp còn bảo lưu hệ thống cổ vật có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Ngôi đình mang dấu ấn thời gian là chứng tích quan trọng của lịch sử quê hương Hoà Long. Lễ hội truyền thống cùng các hoạt động diễn ra tại đình làng đã làm giàu thêm bản sắc văn hóa, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Tiêu biểu chính là lễ hội Kéo co đã được công nhận là di sản văn hoá năm 2016.
Mái đình được chạm khắc hoa văn nghệ thuật tạo nét cổ kính.
Đình Hữu Chấp là công trình kiến trúc truyền thống cùng một số dấu ấn kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Các công trình kiến trúc và các đồ thờ tự là những tư liệu quý để tìm hiểu về mỹ thuật và kiến trúc của các thời kỳ khác nhau. Chạm khắc trên gỗ, điêu khắc đá, hoa văn trang trí, chữ viết trên giấy sắc phong đều mang những giá trị về nghệ thuật và thẩm mỹ.