Đình làng Hoài Thượng

15/08/2022 08:35

(BNP) - Đình làng Hoài Thượng (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) vốn được khởi dựng từ lâu đời để thờ Thành Hoàng làng là Tam vị Đông Quân. Đến thời Nguyễn, di tích được nhân dân tu bổ lớn, dấu ấn còn để lại ở kết cấu, điêu khắc trang trí kiến trúc của công trình.

Cổng vào Đình Hoài Thượng.

Theo truyền tích địa phương và thần tích sắc phong còn lưu ở đình làng Hoài Thượng cho biết: Đình thờ ba anh em Đông quân danh tướng thời Trưng Vương gồm: Đệ nhất Đông quân đại vương, Đệ nhị Đông quân đại vương, Đệ tam Đông quân đại vương, có công phò giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc nhà Hán xâm lược những năm đầu công nguyên.

Đồng thời, đây còn là nơi thờ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Nguyễn Đăng Đạo - người con quê hương đã có nhiều việc làm ân nghĩa, được nhân dân tôn thờ làm phúc thần.

Đình Hoài Thượng là công trình xây dựng trong lịch sử và được trùng tu tôn tạo lại khang trang tố hảo với quy mô to lớn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương tại di tích. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, phần lớn các hạng mục của Đình Hoài Thượng bị hạ giải, chỉ còn bảo lưu được tòa đình Thượng. Năm 1992, địa phương phục hồi tòa đình Trung, xây cổng, tường bao, lát sân.

Nền tòa đình Thượng được lát gạch bát màu đỏ, phía trước mở đi ở 5 gian giữa, theo kiểu “bức bàn”, các phía còn lại xây tường bao bằng gạch. Trên bờ nóc được phủ vữa áo trang trí “Lưỡng long chầu nhật”, hai đầu trang trí con kìm.

Đến năm 2002, di tích tiếp tục được tu bổ thay thế một số cột, đảo ngói, đắp rồng chầu tại tòa đình. Hiện nay, đình Hoài Thượng có các hạng mục công trình: đình Thượng (Hậu cung), đình Trung (Tiền tế), cổng Tam môn, sân gạch tạo thành không gian khép kín.

Trong đình hệ thống thờ tự được bài trí thành kính trang nghiêm cùng một số cổ vật quý là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo như: ngai thờ, sập chân quỳ dạ cá, cuốn thư, hương án, long đình, kiệu bát cống đã được bàn tay tài khéo của nghệ nhân xưa tạo nên.

Cuốn thư thế kỷ XIX.

Sập chân quỳ dạ cá là một trong những cổ vật quý tại đình.

Ngai thờ Tam vị Đông quan và Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo trong Hậu cung.

Đình Thượng (Hậu cung) gồm 3 gian 2 chái 2 dĩ làm theo kiểu “4 mái đao cong”. Kết cấu hệ khung chịu lực được làm bằng gỗ lim với 4 bộ vì chính, 4 bộ vì phụ (chái và dĩ). Mỗi bộ vì có 6 hàng chân cột đặt trên tảng kê bằng đá, kết cấu giống nhau: vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “kẻ truyền” liên kết với cột quân và cột hiên.

Kiệu bát cống trong đình.

Dưới bờ dải, bờ guột, đầu đao được trang trí “lân, rồng”. Điêu khắc trang trí tập trung tại: đầu dư, kẻ truyền, cửa võng; các thành phần còn lại bào soi đóng bén, gờ chỉ đơn giản. Từ câu đầu trở xuống được sơn phủ mầu đỏ, cột cái gian giữa được vẽ rồng mây.

Cột cái gian giữa được vẽ rồng mây.

Bộ kiếm thờ tại đình.

Hiện nay đình làng Hoài Thượng còn giữ các đạo sắc phong cho Nguyễn Đăng Đạo thuộc các triều vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định…

Sắc phong Nguyễn Đăng Đạo.

Sắc phong Tam vị Đông quân.

Đình Trung mở cửa đi phía trước ở 3 gian giữa, mỗi gian gồm 6 cánh cửa ghép vào nhau kiểu “thượng song hạ bản”. Phía trước các gian và đầu hồi xây tường bao trổ cửa sổ hình chữ “Thọ”, phía sau để trống thông lên đình Thượng. Trang trí kiến trúc của đình Trung đơn giản, các thành kiến trúc được bào trơn đóng bén, gờ chỉ đơn giản.

Hằng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, lễ hội diễn ra trong 2 ngày tại đình, tổ chức tế lễ tại đình, sau đó phần hội với các trò chơi dân gian và giao lưu hát quan họ tại ao đình, buổi tối có hát chèo, biểu diễn văn nghệ thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Đình làng Hoài Thượng được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1994.

A.T