Bánh ngũ sắc Thị Cầu - Đặc sản thấm đượm hồn quê
(BNP) – Làng Thị Cầu (nay là phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh) vốn nổi tiếng với nét ẩm thực truyền thống độc đáo. Một trong số những thứ quà đặc trưng của góc quê thị thành này vẫn còn lưu truyền đến tận bây giờ chính là bánh ngũ sắc.
Ảnh minh họa.
Bánh ngũ sắc còn có một vài cái tên khác là bánh ngũ vị, bánh tiến vua, bánh trạng nguyên,… gắn liền với nhiều tích truyện dân gian. Tương truyền, bánh ngũ sắc được tô điểm bằng 5 màu tượng trưng cho ngũ hành, diễn giải sự sinh hóa trong mối quan hệ của vạn vật, của trời đất và con người với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Với ý nghĩa đó, trong những dịp quan trọng, nhà nhà ở Thị Cầu đều bày bánh ngũ sắc lên bàn thờ vừa cầu mong sự may mắn, vừa thể hiện tấm lòng yêu kính đối với tổ tiên. Hoặc khi có khách từ xa tới, người ta lại bày bánh ra mời như một đặc sản quý thể hiện sự hiếu khách. Bánh ngũ sắc chỉ được sản xuất vào một dịp duy nhất trong năm, đó là vào dịp Tết Nguyên Đán.
Điểm nhấn của bánh ngũ sắc chính là hoa ngũ sắc, hoa được tạo bởi gạo nếp đồ lên thành xôi cùng với các loại lá, quả tự nhiên để nhuộm màu như lá nếp, lá chè, quả dành dành, gấc,… rồi cán mỏng và phơi khô. Đến khoảng giữa Rằm tháng Chạp, lúc này hoa ngũ sắc khô được đem rán phồng lên, tạo độ giòn và ngậy. Sau đó, cô nha mật mía với mỡ thỏi để tạo ra thứ nước sốt sền sệt, dội vào khuôn chứa sẵn hoa ngũ sắc, rắc thêm lạc, vừng rang chờ đến khi khô là được. Để có chiếc bánh chất lượng thì khâu chọn nguyên liệu cũng rất quan trọng, nếp làm bánh nhất thiết phải là nếp hảo hạng, thế nên chỉ dùng nếp mùa không phải nếp chiêm; còn mật thì dùng mật mía để thơm và ngậy hơn dùng đường.
Ngày xưa các hộ kinh doanh chỉ chú trọng vào chất lượng bánh, còn giờ đây muốn kinh doanh thành công thì phải chú ý nâng cao hình thức, bánh nhìn phải bắt mắt, vì ngoài chuyện mua về thưởng thức người ta còn dùng làm quà biếu tặng. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ kinh doanh đã đẩy mạnh xây dựng bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao thương hiệu cho sản phẩm.
Với mục tiêu khôi phục lại nghề, UBND phường Thị Cầu đã tạo điều kiện để các hộ liên kết, thành lập HTX, mở rộng mặt bằng sản xuất, tập trung và hướng tới bán sản phẩm quanh năm. Về lâu dài, UBND phường Thị Cầu đang xây dựng kế hoạch để xúc tiến quảng bá thương hiệu cho bánh ngũ sắc để nhiều người biết đến.
Bánh ngũ sắc là một trong những sản phẩm được Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh lựa chọn tham gia Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020”.
Hy vọng, với sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực, nghề làm bánh ngũ sắc ở Thị Cầu sẽ dần được khôi phục mạnh mẽ, để hương vị loại bánh truyền thống này ngày một vươn xa. Và để mỗi độ Tết đến, trong cái rét ngọt rắc hạt mưa lất phất, bên ấm trà nhâm nhi miếng bánh ngũ sắc, câu chuyện đầu xuân năm mới của người người, nhà nhà sẽ thêm đậm đà, đầm ấm.