Bún làng Tiền – Ăn rồi nhớ mãi

07/04/2021 08:05

(BNP) - Nghề làm bún truyền thống ở phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh đã có từ lâu, ban đầu chỉ là một nghề phụ trong những ngày nông nhàn. Theo thời gian, nghề làm bún dần khẳng định chỗ đứng, đem lại thu nhập, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn người dân.

Nghề sản xuất bún tập trung chủ yếu tại hai thôn là: thôn Tiền trong và thôn Tiền ngoài. Với trên 600 hộ làm nghề sản xuất bún, mỗi ngày Khắc Niệm cung ứng ra thị trường trên 7 nghìn tấn bún, bánh các loại. Nhằm nâng cao năng suất, phát triển quy mô kinh doanh, nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất. Tính đến nay, trên địa bàn xã có 57 hộ sử dụng máy làm bún công suất lớn. Trong đó có những hộ sản xuất với quy mô lớn đem lại doanh thu từ 30 đến 35 triệu đồng/ tháng.

Để làm ra được sợi bún tươi ngon thì cần trải qua rất nhiều các công đoạn khác nhau. Đầu tiên, gạo sau khi ngâm một ngày được cho vào ủ thêm 4 ngày sau đó được xay thành bột nước. Tiếp theo, để bột lắng 3 ngày, bỏ phần nước trong, lấy phần bột đã lắng cứng, cho vào máy làm bún. Bột được lấy thành tảng cho vào cối của máy, máy tự khuấy nhuyễn với lượng nước vừa đủ, thành bột sền sệt. Bột được dẫn xuống khay, bầu chứa, nhờ lực ép của máy bột được đưa qua bầu hơi nóng làm chín và ép qua khuôn tạo thành sợi bún. Bún sau khi ngâm qua nước vớt lên, để ra từng mớ và có thể bán cho khách hàng có nhu cầu.

Trước đây, bún được sản xuất theo phương pháp truyền thống, qua nhiều công đoạn, tốn thời gian công sức. Từ khi có máy móc, thời gian sản xuất bún được rút ngắn, lượng nước sử dụng để sản xuất cũng giảm.

Một hộ sản xuất bún có quy mô lớn nhất xã, trung bình mỗi ngày gia đình làm được 5 đến 6 tạ bún, có ngày lên đến 7 tạ bún thành phẩm. Bún làm bằng máy được đánh giá là ngon và bảo đảm vệ sinh thực phẩm hơn bún làm từ phương pháp thủ công. Sau khi bột được ủ lên men thay vì dùng vật nặng ép cho ráo nước thì được cho vào máy vắt ly tâm, nên tách được tối đa phần nước chua.

Làng nghề sản xuất bún ở Khắc Niệm ngày một phát triển cùng với nhu cầu của thị trường. Trong những năm qua, chính quyền địa phương luôn có những chính sách khuyến khích phát triển hoạt động của làng nghề. Năm 2009, UBND xã đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam xây dựng dự án xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún trên diện tích 2.000 m² với công suất thiết kế: 400m³/ ngày – đêm. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của người dân.

Sưu tầm