Bổ sung ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển không chỉ là chính sách tài khóa mà còn là chiến lược phát triển quốc gia

22/11/2024 20:29

(BNP) - Sáng 22/11, tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ 13 về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không chỉ là một yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Như So.

Đóng góp ý kiến vào khoản 1, điều 9 dự thảo Luật quy định về các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung thêm đối tượng “khoản chi cho thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế TNDN”. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò cốt lõi, tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thường rất lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, khiến nhiều đơn vị khó khăn trong việc đầu tư dài hạn. Chính sách này không chỉ tạo điều kiện tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn khuyến khích họ mạo hiểm hơn trong các dự án đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới; góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ cao, khi họ nhìn thấy cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vì vậy, bổ sung ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển không chỉ là chính sách tài khóa mà còn là chiến lược phát triển quốc gia. Đây là thời điểm thích hợp để Chính phủ đưa ra những quyết sách đột phá, đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình đổi mới và hội nhập toàn cầu.

Tại điểm m, khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định: “các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế”. Theo đại biểu, đây là quy định mới được bổ sung tại dự thảo Luật nhưng đang khiến cộng đồng doanh nghiệp vô cùng lo ngại vì bộc lộ nhiều nhược điểm: Quy định này bỏ qua thực tế rủi ro là yếu tố không thể tránh khỏi trong hoạt động đầu tư kinh doanh; làm suy giảm động lực đầu tư của doanh nghiệp; tạo ra rào cản trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân… Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc loại bỏ quy định này nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả và thực chất.

Tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Luật bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Thu nhập này bao gồm các khoản có nguồn gốc từ Việt Nam, như: Từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, bao gồm cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá... không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa bao quát một số trường hợp phổ biến trong thực tiễn kinh doanh quốc tế. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sở hữu vốn tại Việt Nam thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư. Các dự án này thường gắn liền với việc được Nhà nước giao đất để triển khai. Trong thực tế, việc chuyển nhượng quyền sở hữu vốn trong doanh nghiệp FDI này được thực hiện thông qua giao dịch chuyển nhượng vốn giữa các pháp nhân nước ngoài với nhau, không diễn ra tại Việt Nam. Bản chất của giao dịch này là chuyển nhượng quyền kiểm soát vốn, tài sản, và quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Điều này tạo ra thu nhập từ tài sản có nguồn gốc tại Việt Nam nhưng có nguy cơ không chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế Việt Nam (do giao dịch diễn ra ở nước ngoài). Nếu không có quy định cụ thể, tình trạng này sẽ dẫn đến một số bất cập lớn như: Nhà nước mất đi một nguồn thu thuế quan trọng từ hoạt động kinh doanh và giao dịch vốn gắn liền với tài sản trong nước; Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chịu sự áp dụng không đồng nhất về thuế, tạo ra môi trường kinh doanh thiếu công bằng; giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và quyền sử dụng đất tại Việt Nam, dẫn đến rủi ro không kiểm soát được giao dịch và định giá.

Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế đối với giao dịch chuyển nhượng vốn giữa các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó doanh nghiệp được chuyển nhượng đang sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất, hoặc quyền thực hiện dự án tại Việt Nam. Quy định này cần xác định rõ ràng thu nhập phát sinh từ các giao dịch này thuộc phạm vi chịu thuế tại Việt Nam, đảm bảo thu thuế hiệu quả, công bằng, và phù hợp với thông lệ quốc tế.

M.B