Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân: Cần làm rõ phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp
(BNP) – Sáng 22/11, thảo luận tại tổ về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng việc ban hành Luật Thuế TNDN (sửa đổi) là cần thiết nhằm tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và phù hợp xu hướng cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp của các nước.
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Góp ý về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 9), đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “Phần trích lập dự phòng không đúng đối tượng, không đáp ứng điều kiện trích lập” tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 9 của dự thảo Luật như sau: “Phần trích lập dự phòng không đúng đối tượng, không đáp ứng điều kiện trích lập, trích lập vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng”.
Đề nghị bổ sung thêm các khoản chi không được trừ vào khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật đối với khoản chi: Phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức. Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp tự xây dựng định mức tiêu hao trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, một số ngành nghề, lĩnh vực sản xuất vẫn phải tuân theo định mức do Nhà nước ban hành. Mặt khác, quy định này đã được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật và được thực hiện ổn định nhiều năm. Do vậy, để có cơ sở pháp lý trong cho doanh nghiệp và cho cơ quan thuế trong quá trình thực hiện, áp dụng các quy định của pháp luật về thuế, đề nghị bổ sung luật hóa quy định nêu trên.
Về phương pháp tính thuế, theo điểm i khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật quy định: “Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với doanh nghiệp quy định tại các điểm c, d, khoản 2 Điều 2 của Luật này được tính theo tỷ lệ % trên doanh thu phát sinh tại Việt Nam, cụ thể như sau: Chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản: 2%”. Quy định này áp dụng cho cả các trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, tức là vốn của các công ty mẹ qua nhiều cấp khác nhau. Trên thực tế, đối với trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn của các khoản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì việc xác định chi phí tương đối dễ dàng. Còn đối với trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp chưa có quy định rõ ràng. Nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất thì chuyển nhượng vốn gián tiếp bao gồm mọi giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của mọi công ty mẹ, công ty mẹ của công ty mẹ… có sở hữu dự án đầu tư tại Việt Nam. Như vậy thì sẽ có rất nhiều giao dịch phải nộp thuế và việc kê khai, nộp thuế và kiểm tra, truy thu là không khả thi. Do không có quy định rõ ràng nên làm tăng rủi ro chính sách đối với hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định để làm rõ phương pháp tính thuế TNDN.
Về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 12), dự thảo Luật chưa quy định chuyển tiếp ưu đãi đối với trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế nhưng không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật thuế mới được sửa đổi, bổ sung. Để bảo đảm ưu đãi theo Luật đầu tư, đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp ưu đãi đối với trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế nhưng không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật thuế mới được sửa đổi, bổ sung thì tiếp tục được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại.
Về miễn thuế, giảm thuế (Điều 14), đại biểu đề nghị không xác định tiêu chí ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng theo vốn đầu tư hoàn thành mà xác định theo giá trị tài sản cố định đầu tư như quy định hiện hành. Nếu vẫn giữ nguyên như dự thảo thì đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về cách thức xác định việc hoàn thành số vốn đầu tư đã đăng ký để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện.