Chùa Tổ
Chùa Tổ có tên chữ là “Phúc Nghiêm tự” thuộc thôn Mãn Xá (Làng Mèn), tổng Khương Tự, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Sân trước điện chính Chùa Tổ (Nguồn: Internet)
Từ lâu đời, chùa Tổ đã nổi tiếng cổ kính thâm nghiêm với truyền thuyết về Phật mẫu Man Nương. Đây là điểm di tích gắn liền với hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp (chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Dàn, chùa Tướng) trong vùng.
Chùa Tổ nằm trên một khu đất cao, thoáng, rộng thấp thoáng dưới những tán cây cổ thụ, bao quanh là nhà cửa dân cư và những cánh đồng lúa, hoa màu tươi tốt. Theo thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian, cụ thể là truyền tích "Cổ Châu Phật bản hạnh", chùa Tổ thờ Phật mẫu Man Nương là người “sinh” ra Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) từ thế kỷ II đầu Công nguyên. Truyền rằng, chùa được xây trên nền nhà cũ của ông bà Tu Định - thân phụ và Ưu Di - thân mẫu của Man Nương (Tại làng Mãn Xá Đông hiện có nhà thờ Họ Man, trong gia phả và các tài liệu thư tịch mà dòng họ Man hiện còn lưu giữ cũng có ghi chép về gia đình ông bà Tu Định và A Man/Man Nương). Khi ông bà Tu Định hiển Thánh thì ngôi nhà trở thành chùa (Bán Gia vi Tự).
Chùa Tổ vốn được khởi dựng từ lâu đời và được nhiều triều đại trùng tu, đến nay chỉ còn tòa Tam Bảo thượng (Thượng điện) là công trình kiến trúc của thời Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn. Trung tâm điện phật (Tòa thượng điện) là nơi thờ Phật mẫu Man Nương. Tượng Phật mẫu Man Nương được tạo tác trong tư thế tọa thiền trên tòa sen, cao gần 1,70m, giống với các tượng Tứ Pháp, khuôn mặt từ bi thánh thiện, toàn thân phủ một lớp sơn mầu mận chín đầy vẻ huyền bí linh thiêng. Phía trên cao là tượng ông bà Tu Định là thân phụ và thân mẫu của Man Nương, toàn thân sơn mầu nâu sẫm, áo cà sa khoác ngoài trùm kín đùi. Góc bên phải của Thượng điện là tượng sư tổ Khâu Đà La, đầu trọc để trần, khuôn mặt từ bi, ngồi thiền trên tòa sen, áo cà sa khoác ngoài.
Hiện chùa Tổ còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: tượng thờ, bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối... Trong đó, có sắc phong của triều vua Cảnh Hưng thứ 14 (1786) phong cho sư tổ Khâu Đà La và một sắc phong triều vua Khải Định thứ 8 (1923) phong cho Phật Mẫu Man Nương. Các tài liệu cổ vật quý giá đó đã minh chứng sự có mặt của Khâu Đà La và Man Nương là có thật và họ chính là những người đã tạo nên Sơn môn Dâu cùng hệ thống Tứ Pháp đầu Công nguyên. Đặc biệt, chùa Tổ còn bảo lưu được một tấm bia đá tên “Phúc Nghiêm tự sự tích bi”, dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 12 còn khá nguyên vẹn. Trán bia chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, diềm chạm hoa lá, vân mây cách điệu. Đến năm Tự Đức 26 (1873), bia được khắc lại, nội dung cho biết sự tích của Phật mẫu Man Nương và hệ thống Tứ Pháp.
Chùa Tổ và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu huyện Thuận Thành là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp), để tạo nên một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo mang đậm sắc thái dân tộc. Từ trung tâm Dâu, Phật giáo đã lan tỏa đi khắp các vùng miền của cả nước. Vì vậy, chùa Tổ và hệ thống của Tứ Pháp đã trở thành dấu tích quan trọng của quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam. Với giá trị đặc biệt về lịch sử Văn hóa, Tôn Giáo và tín ngưỡng, năm 2001 ngôi chùa Tổ - Phúc Nghiêm Tự, đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng, công nhận là di tích cấp Quốc Gia.