Diện mạo di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh

19/04/2012 01:27
Bắc Ninh-Kinh Bắc là vùng đất có bề dầy lịch sử và ngàn năm văn hiến, nổi tiếng với kho tàng vốn liếng di sản văn hóa quý giá. Vốn di sản văn hóa đó đã trở thành nguồn tiềm năng nội lực to lớn góp phần để tỉnh Bắc Ninh tiến nhanh, mạnh, vững chắc trên con đường CNH-HĐH và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Từ khi tái lập tỉnh, được sự quan tâm trực tiếp của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, ngành Văn hoá đã chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện một trong những nhiệm vụ to lớn là bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã động viên các tầng lớp nhân dân tham gia “xã hội hoá” trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Kết quả là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di sản đối với tất cả các loại hình; từng bước đưa các văn bản quy phạm pháp luật về di sản vào trong đời sống của nhân dân, từ đó người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản; đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản... Ngay sau khi Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công bố là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có chủ trương, biện pháp để bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá quý báu này. Thực hiện cam kết với UNESCO, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 2011-2015” và dự án đang được triển khai từng bước có hiệu quả.
 
Theo thống kê ban đầu, hiện toàn tỉnh có gần hai nghìn di tích thuộc đủ các loại hình như: Đình, đền, chùa, lăng tẩm, thành quách, di tích danh nhân, di tích cách mạng... và đã xếp hạng được 463 di tích (194 di tích cấp Bộ và 269 di tích cấp tỉnh). Nếu trước thời điểm tái lập tỉnh, hậu quả của những năm nền kinh tế “bao cấp” đời sống nhân dân còn nghèo, dẫn đến nhiều di tích tiêu biểu cho đến những ngôi đền, đình, chùa của các làng (thôn) đều ở trong tình trạng xuống cấp, hay chỉ còn là phế tích; thì đến nay dưới đường lối đổi mới của Đảng, đời sống nhân dân ngày được nâng cao, cùng với kinh phí của Nhà nước, đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm khắp mọi miền công đức hàng ngàn tỷ đồng vào công tác sưu tầm, khôi phục, trùng tu, tôn tạo để các di tích có diện mạo khang trang tố hảo và được đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế tìm đến nghiên cứu, tham quan, chiêm ngưỡng. Một số di tích sau khi khôi phục, trùng tu tôn tạo đã trả lại giá trị nổi tiếng như: Chùa Dâu là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta, Đền và Lăng mộ Kinh Dương Vương thờ Thuỷ tổ dân tộc, Chùa Bút Tháp kiệt tác kiến trúc nghệ thuật thời Lê-Nguyễn, Chùa Phật Tích đại danh lam thời Lý, đền Đô thờ Bát vị tiên vương triều Lý, Văn Miếu Bắc Ninh biểu tượng của truyền thống hiếu học khoa bảng xứ Kinh Bắc. Đồng thời với công việc trùng tu tôn tạo, còn là công tác tổ chức các hoạt động tín ngưỡng lễ hội theo quy định của pháp luật. Nhiều lễ hội lớn mang quy mô hội vùng, miền như: Hội Lim, Hội Diềm, Hội Kinh Dương Vương, Hội đền Đô... thu hút hàng vạn khách trong nước và quốc tế.
 
Các làng nghề truyền thống với những kinh nghiệm và bí quyết trao truyền đã trở thành vốn di sản văn hoá phi vật thể quý giá. Những năm qua, đã được ngành Văn hoá, cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, khảo sát, viết sách báo, tuyên truyền quảng bá; lập hồ sơ khoa học cho một số làng nghề tiêu biểu đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia như: Gò đồng Đại Bái, giấy dó Phong Khê, tơ tằm Vọng Nguyệt, dệt lụa Đình Cả, đúc đồng Quảng Bố.
 
Bảo tàng Bắc Ninh cũng đã đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Sưu tầm được hàng ngàn tài liệu hiện vật gốc về lịch sử, văn hoá, khoa học; tổ chức được nhiều đợt trưng bày chuyên đề như: Cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, Di sản văn hoá thời Lý, Di sản văn hoá Quan họ, Truyền thống hiếu học khoa bảng... nhằm tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo khách tham quan về tỉnh Bắc Ninh có bề dày lịch sử và văn hiến.
Võ Thị Thúy Hằng
Nguồn: BBN