Hội chùa Châm Khê – Hoạt động quan họ đậm tính diễn xướng nghi lễ

04/12/2017 09:32

Châm Khê còn có tên nôm làng Bùi, là một trong ba làng quan họ gốc của xã Phong Khê (thành phố Bắc Ninh). Ở đây có ngôi chùa cổ tên gọi Thiên Phúc tự hoặc chùa Bùi. Toàn bộ công trình kiến trúc chùa hiện nay đều mang phong cách nghệ thuật thời Lê- Nguyễn. Chùa vẫn lưu giữ được một số hiện vật quý, như: hệ thống tượng gỗ, bức đại tự, câu đối và hai sắc phong thần do vua Gia Long phong cho Mẫu Liễu Hạnh năm 1809 và vua Tự Đức phong năm 1850.

 

Không có tư liệu truyền lại, nhưng đã từ lâu, hội chùa Châm Khê tổ chức chính hội vào ngày 28 tháng giêng âm lịch hàng năm. Cũng như các làng quan họ khác, một nội dung không thể thiếu được là hát quan họ trong ngày hội. Buổi sáng sớm hôm chính hội, sau một hồi mõ chiêng trống nổi lên ở chùa, mọi gia đình cùng khách thập phương lên chùa lễ Phật. Sau đó tổ chức hát quan họ hầu Phật. Quan họ sở tại, quan họ bạn làng Hạ Giang, Đào Xá, Yên Mẫn, Đông Yên, Bồ Sơn, quan họ từ các địa phương đến hội. Ngoài việc đi chơi hội, các bọn quan họ tham gia vào hát thờ Phật ở trong chùa, hát vui ngoài sân chùa, trên bờ đê, hát thuyền dưới ao làng hoặc sông Ngũ Huyện Khê…. Buổi tối, quan họ sở tại mời quan họ bạn về nhà chứa hát canh.
 
Trước ngày chính hội 5 ngày, quan họ Châm Khê đã tham gia vào một tục lệ truyền thống hát quan họ dưới thuyền mang tính diễn xướng nghi lễ trong phần lễ của ngày hội. Tức là quan họ Châm Khê tham gia lấy nước ở giếng tại đền Mẫu trên doi đất Dương Khê giữa sông Ngũ Huyện Khê về chùa tắm Phật. Khác với diễn xương mang tính nghi lễ của hát quan họ cầu đảo ở làng Viêm Xá, rước Dương Mai công chúa ở Đông Mơi, rước bà Đống ở Đống Cao- Hoà Đình, diễn xướng quan họ đưa nước từ đền mẫu về tắm Phật ở Châm Khê biểu hiện tính cách riêng, làm phong phú cho kho tàng quan họ. Nhằm ngày 23 tháng giêng, tất cả các bọn quan họ nam, nữ trong làng đều được tham gia trò diễn xướng này. Xưa Châm Khê có 4 bọn quan họ. Liền anh, liền chị quan họ Châm Khê từ xưa vốn vẫn có tiếng là thuộc nhiều câu, nhiều giọng. Có những câu hát khó mà đã gần ba, bốn thập kỷ nay, không ai còn nhớ nhưng quan họ Châm Khê vẫn nhớ và ca đúng câu, đúng giọng. Tục đưa nước từ giếng đền Mẫu về chùa tắm Phật chỉ có nam nữ quan họ trong làng tham gia, không có quan họ kết nghĩa hoặc quan họ ở làng khác. Đúng sáng ngày 23 tháng giêng, thuyền Rồng chở hai chum to của nhà chùa đã được rửa sạch sẽ ra bãi soi Dương Khê. Chỉ huy là một ông già, mười tay chèo chia đều hai mạn thuyền đều là nữ thanh tân. Tất cả mặc theo nghi thức ngày hội. Khi thuyền Rồng bắt đầu khởi hành, cũng là lúc từ bờ sông, thuyền nan từng đôi san sát, một thuyền nam quan họ song hành với một thuyền nữ quan họ, từng cặp thuyền quay mặt vào nhau, vừa bơi vừa hát quan họ. Họ hát những bài ca ngợi quê hương, đất nước, cầu khấn trời, Phật phụ hộ độ trì cho dân làng luôn được mạnh khoẻ, nhất nhất bình an, mùa màng bội thu, thóc chất đầy bồ. Thuyền Rồng ra đến giếng đền Mẫu, người ta khênh chum đặt lên bờ giếng. Bấy giờ trai gái quan họ dàn thành hai hàng dọc, múc nước ở giếng rồi chuyền tay nhau đổ vào chum, vừa làm vừ hát quan họ. Thuyền Rồng đã quay về, nước đã được mang lên tắm Phật, nhưng nam nữ quan họ vẫn ngồi trên thuyền nan, len lỏi qua những đám lau lách trên sông mà hát tới khuya. Hát quan họ ở dưới thuyền như thế còn tiếp tục kéo dài tới hết ngày 27 tháng giêng mới mãn cuộc. Và 28 chính hội, liền anh, liền chị quan họ Châm Khê lại cùng quan họ trảy hội đầu xuân.
 
Người quan họ Châm Khê rất tự hào với nét riêng độc đáo của làng. Những liền anh, liền chị ở đây, từ thế hệ đi trước đến thế hệ tiếp bước đi sau đều có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển quan họ quê hương. Châm Khê có nhiều nghệ nhân quan họ nổi tiếng được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, như cụ Nguyễn Trọng Ngữ, Nguyễn Trọng Cầu, Nguyễn Trọng Ích…
 
Làng Châm Khê hiện nay có một câu lạc bộ quan họ trên 30 thành viên. Câu lạc bộ là nòng cốt trong việc giữ gìn và lan toả quan họ của làng. Các thành viên trong câu lạc bộ có độ tuổi khác nhau. Lớp người từ 60 tuổi trở lên vừa có giọng ca hay, hiểu được lề lối chơi quan họ, vừa là lớp người truyền dạy cho lớp người sau. Nhiều người tuổi cao nhưng vẫn say quan họ như Nguyễn Thị Khai, Nguyễn Công Dứa, Nguyễn Công Lụt, Nguyễn Thị Bí… đã tham gia nhiều kỳ thi hát quan họ của tỉnh, giành được nhiều giải thưởng và nhiệt tình truyền dạy cho lớp người đi sau. Nhờ vậy, những liền anh, liền chị Nguyễn Trọng Quyền, Lê Thị Minh, Nguyễn Thị Lâm, Nguyễn Thị Thắng, Nguyễn Trọng Sáng, Nguyễn Trọng Ba, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thị Thà ở lứa tuổi dưới đã từng bước trưởng thành. Nhiều người luyện được giọng ca như hút được cả hồn người nghe.
 
Truyền thống quan họ của làng như chắp thêm cánh để quan họ Châm Khê bay cao, bay xa hơn nữa.

 

Theo BBN