Hội làng Ngâm Điền
Làng Ngâm Điền có tên Nôm là làng Ngăm, nằm ở bờ nam sông Đuống, cách núi Thiên Thai vài cây số. Thời xưa, đây là vùng đất trũng của làng Ngăm ven chân núi Thiên Thai. Vào thời Lý, do nhu cầu xây dựng sơn lăng cấm địa mà có cuộc di dân lớn và có tổ chức từ phủ Thiên Đức về phía nam sông Thiên Đức này.
Làng Chằm bên cạnh làng Ngăm có tên chữ là Mão Điền tương truyền cũng hình thành từ cuộc di dân ở phủ Thiên Đức hồi đó. Làng Ngăm hiện nay có tới gần 40 dòng họ, trong đó có các dòng họ lớn là họ Phạm, họ Nguyễn Bá, họ Nguyễn Đăng… Theo gia phả họ Phạm thì đây là một trong những dòng họ đầu tiên về lập làng. Trải qua nhiều đời liên tục cải tạo mà vùng đất trũng thuộc Lãng Bạc thời Hai Bà Trưng đã nên làng xóm trù mật, ruộng đồng màu mỡ phì nhiêu. Quá trình thay đổi quy mô dân số và quy mô làng xã trong lịch sử của làng Ngăm như sau: thời Lê làng Ngăm là một đơn vị cấp xã, gọi là Ngâm Điền xã.
Cuối thời Nguyễn làng Ngăm tách ra thành thôn Tỉnh Cách (Ngăm Ngõ) thuộc xã Lãng Ngâm, xã Ngâm Điền Giáo và xã Ngâm Điền Lương. Sau Hoà Bình 1954 xã Ngâm Điền Giáo di cư vào Nam hết, xã Tỉnh Cách thành thôn Ngọc Tỉnh của xã Lãng Ngâm, xã Ngâm Điền Lương (Ngăm Đũi) là thôn Ngăm Lương của xã Lãng Ngâm. Thôn Ngăm Lương có 5 xóm là xóm Đông, xóm Tây, xóm Nam, xóm Bắc và xóm Trung. Thôn có gần 700 hộ, xấp xỉ 3000 khẩu, diện tích canh tác 290 mẫu và 5 mẫu đất bãi.
Từ ngàn xưa nơi đây đã phát triển nghề phụ song hành cùng canh tác lúa màu. Đó là cái chất năng động của người phủ Thiên Đức quê hương phát tích nhà Lý. Nghề dệt có từ sớm và lưu truyền đễn gần đây. Thời xưa gái làng Ngăm nổi tiếng trắng trẻo đảm đang vì có nghề dệt đũi. Người ta tự hào lưu truyền câu ca:
Ngăm Đũi có gốc cây đề
Có sông tắm mát có nghề cửi canh.
Đũi là loại sợi tơ tằm loại 2, màu trắng rất được tầng lớp trung lưu ưa chuộng vì hợp túi tiền và lại diện. Do diện tích đất bãi ít nên gái làng Ngăm phải đi mua thêm lá dâu ở các làng xóm lân cận. Những cô gái làng Ngăm Đũi làm mê mẩn bao chàng trai trong vùng. Các cô trắng đẹp lại biết ăn diện càng làm tăng nét đẹp cho họ. Hiện dân làng còn đền thờ bà tổ nghề dệt ở đền Ba, việc tế tự bên cạnh thành hoàng làng vào ngày 7/Hai âm lịch hằng năm.
Theo dân làng truyền lại, đền Ba vốn trước là đình làng khi dân còn nghèo. Sau đó dân có lực xây ngôi đình làng khang trang hơn thì đình cũ trở thành ngôi đền thờ tổ nghề dệt của làng. Trong đền có bài vị, tượng thờ và hoành phi câu đối. Bức hoành phi có chữ “Tối linh kì thịnh”. Câu đối có chữ: “Đại thần anh linh cư chính vị/Hiển thánh ứng giáng độ trì dân”.
Nếu nghề nuôi tằm dệt vải dành cho phụ nữ cho thu nhập cao thì nghề nề của đàn ông cũng cho thu nhập và danh tiếng cho dân làng. Tổ nghề cũng được tạc tượng thờ trong đình làng bên cạnh thành hoàng. Những thợ cả giỏi của làng nổi tiếng trong vùng về tài xây đắp. Họ được mời đi làm những việc đòi hỏi trình độ tay nghề cao như đắp cột đồng trụ, đắp câu đối, rồng phượng ở đền miếu chùa chiền. Tên tuổi các thợ cả giỏi những năm gần đây dù đã khuất bóng nhưng vẫn được dân làng ghi nhớ như các cụ: Nguyễn Huy Hách, Lê Tất Thiêm, Nguyễn Đăng Ư, Nguyễn Huy Cạch, Phạm Ích Chiến… Thời kì đổi mới nghề nề vẫn được dân làng phát huy. Nhiều người trở thành cai xây dựng nhận công trình lớn ở Hà Nội, các thành phố và các làng quê trong vùng.
Tính cách năng động trong làm ăn luôn được người làng Ngăm thể hiện ở mọi thời kì. Gần đây có người mạnh dạn vào Nam làm nghề may mặc tạo thành nghề mới cho cả vùng. Ban đầu họ đưa thợ vào thành phố thuê nhà làm nghề. Sau này có vốn, có cách làm ăn họ trở thành chủ mối hàng lớn. Gần như cả làng cùng làm nghề may, trong đó có tới trăm hộ có cửa hàng lớn ở thành phố. Và bán buôn đi khắp nước các mặt hàng may sẵn phong phú đa dạng. Những người làm ăn quy mô tiêu biểu là: Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Xuân Văn, Đào Văn Quang, Phạm Ích Thạc…
Dân làng ăn nên làm ra thì làng xóm đổi mới. Đường làng được bê tông hoá rộng rãi khang trang. Trung tâm làng hàng quán sáng choang như ở đô thị. Chợ làng họp hằng ngày. Trước đây làng nghề có chợ phiên họp ở đình Chợ, song bị mai một thời kháng chiến do nghề phụ kém phát triển và bị các chợ to trong vùng lấn lướt. Nay chợ làng tự nhiên được khôi phục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dân làng.
Là làng quê vùng Kinh Bắc văn hiến, làng Ngăm cũng đã định hình các thiết chế văn hoá truyền thống từ sớm, xứng với sự phát triển kinh tế của dân làng. Ta đã biết đền Ba thờ bà tổ nghề dệt đũi. Ta đã biết ban thờ cụ tổ nghề nề trong đình làng. Ta đã biết ngôi đình Chợ thờ Bách nghệ tiên sư ở đầu làng. Ngay trung tâm làng là khuôn viên chùa Phổ Thành. Chùa xây dựng từ thời Trần do ảnh hưởng của thiền phái Trúc Lâm do ba vị sư tổ Vua Trần Nhân Tông, nhị tổ Pháp Loa, tam tổ Huyền Quang người bản huyện thuyết giáo. Chùa được xây dựng lại vào thời Hậu Lê hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 2 gian thượng điện.Trong chùa có nhiều tượng quý và hoành phi câu đối do Hội Thiện của làng cung tiến thời Nguyễn. Hội Thiện gồm những người có danh vọng, có tài tản, có tâm đức góp công góp tiền xây dựng công quán ở làng. Hội Thiện ở nước ta có trung tâm ở đền Ngọc Sơn và được phát triển rộng khắp tới các làng quê và làng Ngăm cũng là một địa phương có hội Thiện hoạt động tích cực. Phía trước chùa có gác chuông và chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798) thời Tây Sơn. Trong nội tự chùa còn có nhà Mẫu với ban thờ linh lung và bức đại tự Mẫu nghi thiên hạ. Đây là sự kết hợp nhuần nhuỵ giữa thờ phật và thờ mẫu của giới nữ trong làng, giống như nhiều làng quê khác trong vùng. Chùa liên tục được đầu tư tôn tạo xây thêm các hạng mục khác như khu thờ Quan Âm Nam Hải, khu nhà tổ, tam quan…
Đặc biệt, phong tục thờ thành hoàng nơi đây được quan tâm hàng đầu. Thuần phong mĩ tục đều bắt nguồn từ tục thờ thành hoàng. Ngôi đình làng được xây thời Hậu Lê, mà dòng chữ trên câu đầu còn ghi lại: “Lê triều Giáp Thân niên mạnh hạ cốc đán tu tạo” - nghĩa là “đình dựng ngày tốt tháng Tư năm Giáp Thân triều Lê”. Gian chính điện có các bức hoành phi “Hà hải tú chung”, “Mĩ tục khả phong”, “Linh ứng”. Câu đối có các câu:
Thiên tri địa tri ngã tri nhĩ tri hà vị vô tri
Thiện báo ác báo tốc báo trì báo chung tu hữu báo
Và:
Gia Định bình thời đào vọng túc
Ngâm Điền lí sự dụng ưu mưu
Theo dòng lạc khoản ta được biết cửa võng, hoành phi, câu đối do hội Thiện cung tiến thời vua Duy Tân, mùa đông năm Nhâm Tí (1912). Đình hiện còn giữ được 7 đạo sắc phong thời Lê - Nguyễn, nhiều hiện vật thờ tự quý hiếm. Thánh là Lạc thị Tam vị đại vương, tức thuỷ thần dòng dõi Lạc Long Quân.
Ngày tiết lệ vào đám là ngày trọng đại của làng. Ngay từ ngày mồng 6/Hai dân làng đã tổ chức rước ngai thành long trọng từ nghè vào đình làm lễ mộc dục. Ngày 7/Hai dân rước thánh qua đình Chợ tiến ra sông rước nước. Ngày 8/Hai rã đám lại rước ngai thánh từ đình về nghè. Trong 3 ngày hội dân làng tổ chức tế tự và nhiều trò chơi dân gian. Đặc biệt đội văn nghệ của làng luôn được duy trì từ nhiều năm nay, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương vừa phục vụ dân làng ngày vào đám.
Mĩ tục khả phong là truyền thống của làng. Ngày nay con em vẫn luôn học hành tấn tới và thành đạt. Mỗi năm có khoảng 20 cháu thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Trong đó đã có nhiều tài danh có nhiều công xây dựng đất nước như các vị Lê Văn Trung, thiếu tướng; Lê Huy Minh, viện phó viện vật lí địa cầu; Nguyễn Đăng Hiền, viện phó viện vệ sinh dịch tễ; Lê Văn Khảm, vụ phó vụ điều trị Bộ y tế, Lê Văn Mĩ, tiến sĩ sử học…
Làng Ngăm hôm nay đang đổi mới từng ngày. Từ một làng quê thuần nông năng động phát triển nghề phụ nay đang tiến tới công nghiệp hoá nông thôn, li nông bất li hương thành công. Bên cạnh phát triển kinh tế thì nét đẹp thuần phong mĩ tục vẫn luôn được gìn giữ để có nếp nhà nếp làng văn hoá, hoà nhập quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Đó chính là bệ phóng để người làng Ngăm tài hoa thành danh cùng đất nước.