Khái quát về Bắc Ninh
Bắc Ninh là tỉnh có các đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá của miền Bắc. Quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; đường cao tốc Quốc lộ 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng; trục đường sắt xuyên Việt đi Lạng Sơn và Trung Quốc. Mạng lưới đường thuỷ sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình chảy ra biển Đông. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và giao lưu với bên ngoài.
Sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp đầu cả nước. Kinh tế trong năm 2019 phát triển toàn diện, tổng sản phẩm (GRDP) tăng nhẹ 1,1% với quy mô tiếp tục duy trì vị trí thứ 7 toàn quốc, đạt 119.832 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010). GRDP bình quân đầu người đạt 6.163 USD, gấp 2,23 lần so với bình quân cả nước và đứng thứ 2 so với cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,3 triệu đồng, đứng thứ 5 cả nước.
Về thu ngân sách nhà nước năm 2019 ước đạt 29.912 tỷ đồng, vượt 2.515 tỷ đồng so với dự toán năm, tăng 6,5% so năm 2018, trong đó: Thu nội địa ước 23.662 tỷ đồng, vượt 2.515 tỷ đồng dự toán, tăng 8%; thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 8.900 tỷ đồng, vượt 100 tỷ đồng và tăng 10,3%.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,07 triệu tỷ đồng (giá so sánh 2010), trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước 991,2 nghìn tỷ đồng. Duy trì vị trí thứ 1 so với cả nước về quy mô sản xuất. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 8.223 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), đạt 91,9% kế hoạch năm.
Về giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 27.200 người lao động (trong đó đưa 1.877 người lao động đi làm việc ở nước ngoài), tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 72%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,27%.