Làng nhôm Mẫn Xá
Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong) nổi tiếng khắp vùng với nghề cô đúc nhôm truyền thống. Cuộc sống của người dân giàu lên nhanh chóng Đường làng ngõ xóm được bê tông hoá, những ngôi nhà kiên cố màu sơn mọc lên san sát.
Xưa kia, người Mẫn Xá đi khắp nơi đúc xoong thuê. Từ khi đồ inox, nhựa ra đời thì nghề đúc xoong nồi, mâm chậu ở đây không còn thịnh nữa nên họ đã chuyển sang nấu phôi nhôm, sản xuất các chi tiết máy móc, đồ gia dụng. Làng Mẫn Xá có 600 hộ thì khoảng 350-400 làm nghề tái chế nhôm. Số còn lại, nhiều người đi làm thuê cho các lò lớn và một số thì đi thu mua phế liệu ở khắp nơi về bán cho các chủ lò sản xuất.
Những ngọn lửa nóng rực, khói đen khói trắng bốc lên nghi ngút. Quanh đường làng, đâu đâu cũng thấy những bãi xỉ chất đống, bốc mùi khó chịu. Các mái ngói phủ đầy bụi đen như bồ hóng. Những lò nhôm san sát nhau ngày đêm toả nhiệt, đỏ lửa. Ai cũng biết không khí rất ô nhiễm, nhưng người dân Mẫn Xá vẫn ngày đêm sản xuất. Họ phải bịt mũi vì bụi và những mùi khét, mùi hoá chất của thiết bị và nguyên liệu tái chế nhôm.
Người chịu hậu quả nhiều nhất là những người làm thuê, trực tiếp tiếp xúc cả ngày trong lò, những khối quặng và chất thải. Nhiều người làm thuê đã mắc bệnh về đường hô hấp và nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Mỗi ngày có gần 1000 lao động các nơi về đây làm thuê kiếm sống: Người khuân vác, người đứng lò. Anh Nguyễn Văn Huân, quê ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) làm thợ chuyên nấu phôi nhôm cho biết: “Ngày công tuy cao 500-600 ngàn đồng/người, nhưng rình rập nguy hiểm vì sức nóng và sự ô nhiễm gây ra”.
Theo ông Nguyễn Đức Phúc, Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết: “Để giúp làng nghề phát triển và giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, chúng tôi đang triển khai dự án 25 ha đất xa khu dân cư đáp ứng nhu cầu cho 300 cơ sở sản xuất tái chế nhôm”.